Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam. Việc phát triển cây cà phê đã giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập cao cho nông dân trồng cà phê. Những thách thức Hiện nay, phát triển cây cà phê ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả kinh tế, hết chu kỳ kinh doanh mỗi năm một tăng, quy hoạch, chất lượng cà phê, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nghiên cứu các giống mới… để phục vụ cho phát triển bền vững trong ngành cà phê.
Người dân phát triển cây cà phê trong vườn nhà tại làng Kơ Tu Dơng, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Văn Thông – TTXVN |
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, hiện nay, diện tích phê già cỗi từ 20 đến 25 năm tuổi trong cả nước có khoảng 86.000 ha, chiếm 15% trong tổng diện tích. Ngoài ra, có khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất, chất lượng quả thấp. Như vậy, tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 đến 10 năm là từ 140.000 đến 160.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y cho ngành cà phê được tái canh đối với vườn cà phê già cỗi từ 20 - 25 năm tuổi, Ngân hàng Nông nghiệp cũng đã cam kết cung cấp vốn vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sau 3 năm tái canh trả được lãi vay thì vốn được vay vẫn được tiếp tục mà chưa phải trả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1987 về quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và các quyết định ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật cho tái canh cà phê, quy trình tái canh cà phê.
Thực tế, từ năm 2010 trở lại đây đã có nhiều mô hình tái canh cà phê rất thành công.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn cũng như còn khá nhiều nhiêu khê trong việc tiếp cận nguồn vốn vay nên các nông hộ, các doanh nghiệp vẫn “ì ạch” trong việc trồng tái canh cây cà phê. Hiện nay, Đắk Lắk và Lâm Đồng chỉ mới giải ngân được trên 310 tỷ đồng vốn vay để trồng tái canh.
Những khó khăn lớn cần tháo gỡĐể tái canh cà phê chi phí khá lớn, bình quân 150 triệu đồng/ha, trong khi đó lại mất tiếp nguồn thu nhập từ 5 - 6 năm, do vậy, các nông hộ buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi. Việc tái canh cà phê cần vốn đầu tư lớn nhưng tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cây cà phê) phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn, giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm, lãi suất cho vay còn cao.
Hiện nay duy nhất tỉnh Đắk Lắk công bố quy hoạch tái canh cà phê còn các tỉnh còn lại chưa có quy hoạch nên Agribank chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay tái canh cà phê. Việc tái canh cà phê và xây dựng phương án vay vốn để tái canh cà phê phải do người dân chủ động tính toán xây dựng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng hộ gia đình và theo mùa vụ (bắt đầu khi mùa mưa, kết thúc trước khi mùa khô bắt đầu từ 1 đến 2 tháng) từ giữa tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, mùa vụ tái canh thực hiện trong thời gian rất ngắn.
Trong khi đó, nhiều hộ trồng cà phê (nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) không có khả năng tài chính, không có hoặc không đủ vốn tự có tham gia vào dự án theo quy định hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn… nên tiến độ chậm, “ì ạch“ giải ngân nguồn vốn cho việc đầu tư trồng tái canh, cũng như người dân không nhiệt tình tham gia vào việc tái canh cà phê…
Kiến nghị các giải phápCác địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê kiến nghị lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư chăm sóc, cho vay tái canh cà phê giảm xuống khoảng từ 4 - 5%/năm, cho phép ân hạn trả lãi 3 năm đầu khi chưa thu hoạch, lãi nhập gốc, cho phép vay vốn từ lúc cải tạo đất 2 năm để trồng mới, thời hạn cho vay tối thiểu 8 năm. Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê như ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như quy hoạch, kế hoạch, xây dựng vườn giống, cây giống cà phê, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý. Ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách cấp bù lãi suất và tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, có cơ chế đặc thù cho bảo hiểm cây cà phê ở Tây Nguyên. Ngân hàng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp triển khai giải ngân sớm để người trồng cà phê tin tưởng phá bỏ những vườn trồng cà phê già cỗi không hiệu quả, thực hiện nghiêm túc Quy trình tái canh cà phê bằng các giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tập trung nghiên cứu giải pháp diệt tuyến trùng, nấm, hỗ trợ, giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật chăm bón phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo người trồng cà phê an tâm với vườn cà phê mới trồng tái canh. Bên cạnh đó, kết hợp với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và để người trồng cà phê học tập kinh nghiệm lẫn nhau sớm rút ra các phương pháp trồng, chăm sóc cho cây cà phê tốt nhất. Các tỉnh, nhất là các địa phương vùng Tây Nguyên tích cực tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thấy cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh từ 25 năm tuổi trở lên là không hiệu quả cần phải trồng tái canh nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.
Huy Quang