Bộ Tài chính đánh giá, đến hết tháng 9 năm 2022, có 5 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân (đạt 108,8%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 118,4%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 104,2%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 113,3%) và thu khác ngân sách (đạt 116,2%).
Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1% dự toán, bằng 84,1% so cùng kỳ) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59% dự toán).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 75% dự toán; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng chi 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng; bên cạnh đó, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng khoảng 58,36 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 9 tháng năm 2022, đã thực hiện phát hành 114,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,72 năm, lãi suất bình quân 2,62%/năm.