Theo ông Đỗ Đình Việt, giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vĩnh Phúc: Từ đầu năm đến nay, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy ở Vĩnh Phúc vẫn duy trì doanh số bán ra và có sự tăng trưởng nhưng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp tiêu thụ đã giảm hơn 2.000 xe, trong khi xe nhập khẩu tăng rất cao, đạt khoảng 5.000 xe, chủ yếu là dòng xe Fortuner.
Do sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ giảm, chủ yếu là dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ nên thuế tiêu thụ đặc biệt thu được cũng giảm đáng kể. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, số thu nội địa toàn tỉnh đạt trên 11.660 tỷ đồng, bằng % dự toán. Riêng thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.660 tỷ đồng, bằng 35% dự toán và 89% so cùng kỳ.
Việc Việt Nam thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan trong khu vực ASEAN và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm nên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Vĩnh Phúc gặp khó khăn sẽ chuyển một số dòng xe từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu. Khi đó, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp sẽ giảm mạnh; trong khi thuế nhập khẩu sẽ tăng.
Theo Luật Ngân sách nhà nước thì toàn bộ khoản thu từ thuế xuất, nhập khẩu được điều tiết về ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương sẽ không được hưởng. Sản lượng sản xuất xe máy trong tỉnh dự kiến cũng sẽ giảm do Công ty Honda Việt Nam tăng sản lượng sản xuất xe máy tại Hà Nam để tận dụng chính sách ưu đãi về thuế...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo, đưa ra những nhận định đầy đủ, chính xác hơn về tác động khi thuế xuất nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% vào năm 2018. Tập trung phát triển và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thu hút và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô, xe máy.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Công Thương làm đầu mối bố trí các buổi làm việc giữa tỉnh với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thí điểm ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy để tạo tiền đề kích thích phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy của tỉnh sau khi Chính phủ ban hành các chính sách mới có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sản xuất ô tô, chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô, xe máy...