Tuy nhiên, trong bối cảnh dự báo năm 2021, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn tiếp tục trong tình trạng suy giảm. Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam không có cơ hội, bởi trong thách thức vẫn có các cơ hội tốt nếu có thể tận dụng và biến thành động lực.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế năm 2020 và định hướng năm 2021, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới và trong nước, xin Thứ trưởng đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2,91% là một kết quả rất đáng mừng, là mức tăng trưởng rất tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều này cho thấy tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, xin Thứ trưởng phân tích rõ những điểm sáng của đầu tư vào nền kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là đầu tư công?
Vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia, là nền tảng cơ bản để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, sự sụt giảm của vốn đầu tư trên toàn cầu là khách quan.
Năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế làm cho nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, việc tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công chính là giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như “vốn mồi” thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Trong năm 2020, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, mức đạt cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội được hưởng lợi khi tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, đặc biệt phải kể đến các ngành được hưởng lợi chính như xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng) và các doanh nghiệp, người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất.
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng đạt mức 6%, ông nhìn nhận mục tiêu này như thế nào trong bối cảnh dự báo nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn tiếp tục trong tình trạng suy giảm?
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Mặc dù, để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP năm 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Tuy nhiên, chúng ta phải thực sự nhận thức rõ mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 là khá thách thức, nhất là trong bối cảnh năm 2021 diễn biến còn rất bất định khó lường, cơ hội tuy đã có những dự báo nhưng chưa chắc chắn. Khả năng có thể thấy là nếu năm 2021 thế giới có thể kiểm soát được đại dịch COVID-19, chắc chắn hoạt động du lịch sẽ tăng đột biến sau một thời gian dài của cả năm 2020 bị kìm hãm. Tuy nhiên, ở thời điểm này chúng ta cũng không chắc chắn về khả năng phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là một số quốc gia dù tuyên bố đã sản xuất được vaccine nhưng chưa ai dám khẳng định về hiệu lực phòng ngừa trên thực tế và mức độ bao phủ do giá vaccine còn khá đắt đỏ đối với các quốc gia đang phát triển. Do đó câu hỏi đặt ra là liệu điều này đã đủ điều kiện để các quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện hạn chế đi lại hay chưa.
Ở quy mô một doanh nghiệp thì có thể chớp được cơ hội nếu có sự nhạy bén và linh hoạt. Song với một nền kinh tế thì cần phân tích rất kỹ bởi việc nhận định cơ hội sẽ đi cùng với hoạch định chính sách để tận dụng, nếu cơ hội đảo chiều nhanh quá thì rất khó cho bất cứ một quốc gia nào trong việc điều chỉnh kịp và duy trì được thời gian hiệu lực của chính sách trong điều kiện rất bất định như hiện nay.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có cơ hội, trong thách thức chúng ta vẫn có các cơ hội tốt nếu có thể tận dụng và biến thành động lực. Với những nền tảng và kết quả mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong năm 2020 và những động lực có thể nhìn thấy rõ ràng thì mục tiêu 6% đã được Chính phủ cân nhắc và tính toán là hết sức kỹ lưỡng.
Với dự báo tăng trưởng phục hồi và mục tiêu đặt ra khá kỳ vọng, Thứ trưởng nhận định thế nào về khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư trong thời gian tới?
Đầu tư nước ngoài nói chung cũng như thu hút các dòng vốn trực tiếp và gián tiếp khả năng sẽ tăng hơn trong năm 2021. Nguyên nhân là tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn, một số nước đã có vaccine phòng ngừa, lúc đó việc đi lại di chuyển cũng có thể cởi mở hơn nhiều so với năm 2020, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch đầu tư.
Thực tế là ngay cả trong năm 2020 tuy rất khó khăn do tác động kéo dài của dịch phải hạn chế nhiều việc đi lại giữa các quốc gia, song hiện nay giải ngân vốn đầu tư vẫn tăng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn rất lớn.
Tuy nhiên cũng phải nhận thức rõ là để có sự bứt phá trong thu hút các dòng vốn trong năm tới thì chưa thể có được mà chắc chắn phải tới khi thực sự kiểm soát hiệu quả được dịch bệnh.
Xin cám ơn Thứ trưởng!