Người dân thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã xây dựng thành công mô hình trang trại trồng cây thanh trà, một đặc sản của xứ Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Các vùng trồng cây đặc sản ở Thừa Thiên - Huế dần phát huy hiệu quả như: vùng đất bãi chuyên canh ngô đạt 50 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyên canh rau, hoa, cây cảnh cho thu hoạch 100 triệu đồng/ha/năm; mô hình lúa - cá ở các vùng thấp trũng cho thu hoạch 30 triệu đồng/ha/năm; thanh trà cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm...
Thừa Thiên - Huế vừa cho ra mắt thương hiệu "Bưởi đỏ Hương Hồ - Đặc sản xứ Huế". Hiện tại, Hương Hồ đã tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giúp người dân cải tạo lại vườn tạp nâng diện tích trồng bưởi đỏ Hương Hồ lên 67 ha, thu hoạch giá trị từ cây bưởi hàng năm khoảng từ 9 đến 10 tỷ đồng.
Trước đó, huyện ủy (nay là Thị ủy) Hương Trà đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển cây đặc sản; trong đó, có cây bưởi đỏ, kể từ đó đến nay việc phát triển cây đặc sản bưởi đỏ ở địa phương người dân quan tâm đầu tư canh tác như: cải tạo vườn tạp, chăm sóc cây trồng, một số diện tích đất nông nghiệp có thổ nhưỡng phù hợp đã được chuyển đổi để trồng mới cây bưởi đỏ.
Ông Bùi Văn Sâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Hồ cho biết, từ xưa đến nay bưởi đỏ Hương Hồ đã có tiếng, thương lái đến mua tại vườn hoặc mang ra chợ cũng dễ bán. Với việc ra đời thương hiệu "Bưởi đỏ Hương Hồ - Đặc sản xứ Huế" còn tạo điều kiện cho phường Hương Hồ mở rộng các dịch vụ du lịch trải nghiệm đến các nhà vườn trồng bưởi để du khách trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm sản phẩm và vươn xa ra các thị trường trong nước.
Cùng loại cây đặc sản như trên, xã Thủy Biều (thành phố Huế) trồng được 147 ha thanh trà từ vườn nhà và các bãi bồi dọc sông Hương. Hiện, Thủy Biều có có 127 ha thanh trà đã cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch đạt 450 - 500 tấn/năm, thu nhập từ 20 - 25 tỷ đồng/năm. Hàng năm, Thủy Biều tổ chức "Ngày hội tôn vinh đặc sản Huế", thu hút khoảng 20 gian hàng giới thiệu đến người dân và du khách những trái thanh trà của những hộ nông dân được tuyển chọn từ những vườn có trái ngon nhất của phường Thủy Biều.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến khích các địa phương liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, khi mở rộng diện tích, trồng mới, người sản xuất cần quan tâm đến chất lượng giống, hạn chế nhân giống bằng phương pháp chiết cành, nên sử dụng những cây giống ghép được nhân từ các cây thanh trà đã được bình tuyển là cây đầu dòng (Hội đồng bình tuyển của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế đã bình tuyển 8 loài bưởi thanh trà đầu dòng trên địa bàn tỉnh).
Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần đầu tư hệ thống tưới tiêu để cung cấp nước đầy đủ cho cây thanh trà và thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Tỉnh tiếp tục đầu tư và đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ các cá nhân (hộ gia đình), các địa phương canh tác theo hướng sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP để trong thời gian tới thanh trà xứ Huế vươn lên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong nông nghiệp đang được tỉnh khắc phục bằng việc đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Để trái cây đặc sản thực sự vươn xa, nhiều địa phương trong tỉnh chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị. Gần đây nhất, huyện miền núi Nam Đông chú trọng phát triển cây đặc sản như: cam, gấc, chuối, dứa…mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân ở đây.
Huyện Nam Đông đã trồng được 75ha cam, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 30ha mang thương hiệu "cam Nam Đông". Nhiều mô hình trồng cam đạt hiệu quả, một số mô hình có năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Cam Nam Đông hiện có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bởi, giống cam này có chất lượng vượt trội nên được người tiêu dùng ưa chuộng, cung không đủ cầu. Chính điều này thúc đẩy bà con mở rộng quy mô trồng cam ra các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú.
Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước mắt, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích trồng keo trên đất ít dốc có tiềm năng, diện tích cao su đổ gãy nhiều, diện tích cao su già cỗi đến thời kỳ tái canh kém hiệu quả để trồng cam. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn bà con sản xuất cam theo tiêu chuẩn ViệtGAP, quản lý chặt chẽ qui trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, huyện Nam Đông xác định cam là một trong những cây trồng chủ lực và xây dựng đề án phát triển cam Nam Đông với diện tích 400ha theo tiêu chuẩn VietGap. "Với giá cam thấp nhất tại vườn như hiện nay là 15 triệu đồng/tấn; 1ha cam bình quân thu 175 triệu/ha/năm, cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp. Như vậy, dự án cam sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp", bà Hương khẳng định.