Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam; trong đó, cải cách môi trường kinh doanh cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định.
Trọng tâm cải cách thể chế
Theo các chuyên gia, kết quả cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam phần nào phản ánh nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ, nhất là việc Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết 19/NQ-CP (Nghị quyết 19) hàng năm, nay là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; hay Nghị quyết 35/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020. Điều này đã thúc đẩy Việt Nam đổi mới sáng tạo để thích ứng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập sâu rộng.
Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 2 năm thực hiện Nghị quyết 35 cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, liên tục, gắn với mục tiêu dài hạn, đồng thời, cập nhật các mục tiêu, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình, bối cảnh và yêu cầu mới. Năm 2019, tình hình quốc tế diễn biến không thuận, phức tạp, khó lường, nhất là tác động của căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, Việt Nam duy trì được đà cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, minh bạch, ít chi phí và ngày càng thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã góp phần không nhỏ vào phát triển Chính phủ kiến tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương. Chính vì vậy, lãnh đạo bộ luôn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, công việc này không chỉ ở các con số, cũng không phải thực hiện một lần mà đòi hỏi cả một chặng đường dài nghiên cứu và được cải tiến thường xuyên.
Thống kê cho thấy, Bộ Công Thương là bộ đầu tiên hoàn thành và xung kích trong việc cắt giảm 675 trong số 1.216 thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm 122.000 ngày công. Không những vậy, Bộ Công Thương cũng là đơn vị tiên phong xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 202/461 điều kiện đầu tư, thủ tục kinh doanh và công bố danh mục 400 trong số 720 mặt hàng kèm mã HS đã cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm trên 40.000 ngày công.
Đặc biệt, Bộ Công Thương là một trong số không nhiều cơ quan bộ cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 - 4 đạt mức thực chất cao. Tỷ lệ hồ sơ điện tử của Bộ Công Thương đạt tỷ lệ rất cao, lên tới 98,8%.
Xây dựng môi trường kinh doanh ổn định
Báo cáo đánh giá về cải cách quy định điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, về cơ bản, các bộ đã hoàn thành yêu cầu cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, qua rà soát cho thấy vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên, hầu hết các bộ mới chỉ đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm mà chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh; cũng như chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.
Qua nhiều năm tiếp xúc và thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, xét về chủ quan thì phải thừa nhận thực tế, có tình trạng chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thiếu kiến thức kinh doanh; không am hiểu thị trường, nguồn vốn mỏng, khởi nghiệp theo phong trào.
Điều này dẫn tới rất nhiều doanh nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên khởi nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp không am hiểu pháp luật kinh doanh, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật hoặc ý thức tuân thủ pháp luật kinh doanh kém dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể ngày càng tăng...
Việc doanh nghiệp ngừng hoạt động; không đăng ký gây khó khăn trong quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính doanh nghiệp. Hay, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán đã chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng cũng không báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và không làm thủ tục giải thể doanh nghiệp dẫn tới tình trạng nợ thuế với Nhà nước và các khoản nợ khác bị tồn đọng rất nhiều.
Bên cạnh đó, có tình trạng một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật về kinh doanh để trục lợi thông qua việc thành lập doanh nghiệp “ma” và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính như mua bán hóa đơn VAT, trốn thuế...
Theo CEO Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), đã có nhiều chính sách thuận lợi với nhiều cơ chế được cởi bỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, song nhìn vào thực tế, doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa, nhất là trên các lĩnh vực về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, về môi trường kinh doanh, các bộ, ngành cải cách quyết liệt hơn nữa trên các yếu tố của môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế; cải cách thực chất các quy định và thực thi về điều kiện kinh doanh, quản lý và kiểm tra chuyên ngành, thay đổi cách thức quản lý theo thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng giao dịch điện tử và kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước; giám sát và chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp đảm bảo hoạt động thanh, kiểm tra theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn, không trở thành rào cản đối với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong thời gian tới, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo; trong đó, tập trung các giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, ít chi phí và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, ứng phó tốt hơn với bối cảnh căng thẳng thương mại ở khu vực và trên thế giới.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, không còn cần thiết; đề xuất và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
Bộ này cũng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối về cải cách hành chính của Bộ Công Thương.
Mặt khác, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, làm tốt hơn nữa việc xây dựng khung pháp lý, quy hoạch phát triển khối nhà nước và tạo cơ chế kinh doanh thông thoáng, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển.