Mô hình trồng rau thủy canh tại khu khảo nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN |
Trong khuôn khổ chương trình, chiều 12/7, Hội thảo chuyên đề với chủ đề: Tầm nhìn và giải pháp phát triển “Nông nghiệp thông minh” bền vững với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu một số ý kiến về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
Thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển “tam nông”, trong đó có phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp động lực. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạng xuất khẩu tạo tiền đề cho nông nghiệp thông minh”.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, bản chất nông nghiệp thông minh là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thành công, cần sự nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước. “Thực trạng nước ta hiện nay, nông nghiệp khó có thể ứng dụng 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền. Lựa chọn những giải pháp hiệu quả bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Tiếp cận nhanh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Nêu khái niệm về nông nghiệp thông minh, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nông nghiệp thông minh là nông nghiệp mà trong suốt quá trình sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại có sử dụng các thiết bị thông minh được kết nối mạng bên trong và bên ngoài của trang trại, doanh nghiệp. Dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý nông nghiệp an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Theo ông Phạm S, hiện nay, trong lĩnh vực hạ tầng nông nghiệp thông minh ở Việt Nam có 11 nhà cung cấp với 32 nhà sử dụng gồm các tập đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... Các nhà sử dụng được tiếp cận với những trang thiết bị, công nghệ tiên tiến đang được nhiều nền nông nghiệp trên thế giới sử dụng hiệu quả như: Bộ cảm biến trong nhà kính, camera theo dõi sinh trưởng cây trồng, bộ điều khiển trung tâm, bộ cảm biến ngoài trời...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhấn mạnh: “Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào. Quá trình triển khai cần theo phương châm “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, mục tiêu lấy hiệu quả làm chính”; phấn đấu đến năm 2020 có mô hình nông nghiệp thông minh 4.0”.
Đề phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề xuất, Chính phủ cần có chính sách nông nghiệp thông minh đến năm 2020, định hướng đến 2025 theo hướng đầu tư nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng thông minh đồng bộ để đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, các trường đại học cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu hướng thời đại, phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0. Các địa phương tiến hành đào tạo toàn diện các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp thông minh 4.0 bao gồm: Nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp/hợp tác xã và nông dân; đồng thời có chính sách khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo phát triển có chọn lọc, hiệu quả nhất nông nghiệp thông minh 4.0.
Quản lý nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao
Chia sẻ kinh nghiệm từ hệ sinh thái nông nghiệp Israel, ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: Israel không phải là một quốc gia có những điều kiện tối ưu cho phát triển nông nghiệp. 50% đất đai của Israel là sa mạc, chỉ có 20% diện tích đất có thể trồng trọt được. Nguồn nước dành cho nông nghiệp rất thiếu thốn. Đây là những điểm khởi đầu không hề tốt cho nền nông nghiệp Israel nhưng Israel đã tự sản xuất được tới 95% sản lượng lương thực trong nước. Hơn thế nữa, Israel còn xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho các quốc gia. Israel là nhà xuất khẩu cam lớn, đứng đầu thế giới về xuất khẩu chà là... Tuy nhiên, điều quan trọng là, Israel đã xuất khẩu công nghệ của ngành nông nghiệp trên toàn cầu. Điều này là nhờ vào ý chí của người dân Israel.
Biến đổi khí hậu đang làm suy giảm nguồn cung các sản phẩm lương thực trên toàn cầu. Điều này cũng dẫn đến việc nguồn nước suy giảm, giá thành nguồn nước sẽ gia tăng, đời sống người dân sẽ khó khăn hơn. Đây là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Ông Doron Lebovich cho rằng, các nền nông nghiệp trên thế giới cần tìm ra những phương án sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước hiệu quả hơn; cần giảm thiểu lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp; đầu tư cần hiệu quả hơn với nguồn lực hạn chế hơn. Để làm được điều này, nền nông nghiệp cần được ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Đây là một trong những giải pháp giúp có được lối thoát cho những người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp.
Theo ông Doron Lebovich, tại Israel, các nông dân làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp về công nghệ để làm sao tạo ra được những công nghệ phù hợp với họ, từ đó vừa hỗ trợ trực tiếp cho ngành nông nghiệp vừa thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Israel có hệ sinh thái nông nghiệp rất phát triển với những đối tác trực tiếp là Chính phủ, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ. Mối quan hệ đối tác này phát triển rất tốt thông qua lĩnh vực nông nghiệp. Các viện nghiên cứu là trọng tâm trong phát triển công nghệ cao. Rất nhiều ý tưởng đến từ các viện nghiên cứu này đã biến thành hành động, sản phẩm.
Trên thực tế, Chính phủ Israel đã trực tiếp tham gia cùng các đối tác để có thể dung hòa các rủi ro cho các ứng dụng thông minh trong nông nghiệp ở giai đoạn đầu. Chính phủ Israel hỗ trợ tài chính cho các viện nghiên cứu về nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp để chế tạo ra những công nghệ mới. Đến khi thành công, các đối tác này phải trả lại khoản đầu tư ban đầu của Chính phủ. Trong trường hợp thất bại, họ không cần phải trả lại nguồn đầu tư này. Cách làm này đã đẩy rủi ro trong đầu tư vào lĩnh vực này về phía Chính phủ Israel, đồng thời thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các đối tác tham gia nghiên cứu công nghệ.