Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Hoa Cương cho biết, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ mang lại nhiều thay đổi trong các ngành nghề, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động theo mô hình này. Mô hình này cũng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Do đó, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành xem xét, rà soát các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ.
Theo Dự thảo, loại hình kinh tế chia sẻ tác động tới huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường; thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế; về thuế và quản lý thuế; việc làm cho người lao động; quan hệ lao động trong nền kinh tế; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; thể chế quản lý nền kinh tế.
Trong đó, tác động của mô hình kinh tế chia sẻ tới huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua thể hiện qua việc huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy và thu hút đầu tư mới vào kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Đặc biệt mô hình kinh tế chia sẻ tác động lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Đối với tác động tới thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường, dự thảo nêu rõ, sự phát triển của các loại hình kinh tế chia sẻ thời gian qua đã góp phần khuyến khích kinh doanh, mở rộng và tăng quy mô thị trường (cả về quy mô giao dịch và số lượng chủ thể tham gia trên thị trường), mở rộng phạm vi không gian của các giao dịch kinh tế. Cụ thể là thúc đẩy mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới cùng với kinh doanh theo mô hình truyền thống.
Cùng với đó, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế; tăng quy mô (số lượng, khối lượng, giá trị) các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường theo mô hình kinh tế chia sẻ; đồng thời, mở rộng phạm vi không gian cho thị trường hàng hóa, dịch vụ nhờ các giao dịch xuyên biên giới của hoạt động kinh tế chia sẻ.
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cũng cho rằng, kinh tế chia sẻ mở ra nhiều cơ hội, tạo ra sự tiện lợi và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của các chủ thể kinh tế, với chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với kinh tế truyền thống nhờ ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật; đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Nhìn chung, hoạt động kinh tế chia sẻ mang tính chất đổi mới, sáng tạo không ngừng, sử dụng các thành tựu công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có phần giao thoa với kinh tế số nên kinh tế chia sẻ luôn luôn tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
“Kinh tế chia sẻ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế nhờ tiết kiệm được nguồn lực do người tiêu dùng loại bỏ được nhu cầu “sở hữu” và chia sẻ mức phí sử dụng giữa những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm hay dịch vụ, qua đó góp phần vào tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế”, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.