Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 2: Chưa đến tay nhiều đối tượng doanh nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận những phục hồi tích cực của nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, dệt may… dù vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh và tổng cầu thế giới.

Tuy nhiên tình hình 6 tháng cuối năm được dự báo còn nhiều bất định, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh phương thức sản xuất, đáp ứng thị trường và điều kiện kinh doanh. Với những rủi ro luôn chực chờ trước mắt, việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được các doanh nghiệp mong chờ để vượt qua khó khăn.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần dệt may Sơn Nam, Nam Định. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Nhiều rủi ro

Theo báo cáo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2020, đặc biệt đã vượt qua cả con số của cùng kỳ năm 2019, chứng tỏ sự phục hồi khá sớm so với dự báo phải hết năm 2021 mới quay lại ngưỡng năm 2019, thậm chí đến quý III/2022.

Sự phục hồi này ngoài yếu tố cầu, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Cambodia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, doanh nghiệp có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất.

Bên cạnh ngành may có đủ đơn hàng dù đơn giá còn thấp thì điểm sáng đặc biệt đến từ ngành sợi. Sau 24 tháng liên tục khó khăn, cầu thấp, nhiều thời điểm giá bán dưới giá thành thì từ tháng 10/2020, tình hình ngành này đã sáng lên, cầu và cả giá bán tăng cao. Ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm 2021 về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, dịch bệnh quay trở lại làn sóng thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay trong các trung tâm công nghiệp từ Bắc Giang, Bắc Ninh, nay lan vào tới TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và cả Đà Nẵng.

“Những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất của đất nước đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành dệt may và các doanh nghiệp của Vinatex cũng nằm chung trong hoàn cảnh đó. Và lần này, đúng như dự báo, tình hình còn phức tạp hơn khi chúng ta đều đang có hợp đồng, có trách nhiệm pháp lý đi kèm với lợi ích hoặc thiệt hại về kinh tế, chứ không chỉ còn là vấn đề của tiền lương hỗ trợ công nhân phải ngừng việc như nửa đầu năm 2020”, ông Trường nói.

Dự báo với ngành dệt may, ông Trường cho hay, sau nửa đầu năm 2021 khả quan, cũng bắt đầu có những rủi ro mới, như: các doanh nghiệp trọng yếu Phong Phú, Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị nằm trong vùng dịch bệnh với nguy cơ cao phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp. Đó là đã xuất hiện các ca bệnh trong doanh nghiệp hoặc trong cụm/khu công nghiệp có doanh nghiệp của Vinatex đóng quân.

Các mặt hàng thế mạnh chưa có biểu hiện phục hồi như suite nam, nữ. Ngành sợi có đóng góp lớn về hiệu quả nhưng có độ nhạy cảm cao với thị trường, vị thế kinh doanh chưa bền vững. Ngành dệt may có cơ hội thị trường tốt, nhưng nếu không đảm bảo tiến độ bởi dịch bệnh ngăn cản tổ chức sản xuất thì có nguy cơ gây hệ lụy về kinh tế.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khi các khoản vay được xếp vào diện cơ cấu, doanh nghiệp sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.
 
Tuy nhiên, các gói hỗ trợ triển khai vẫn còn hạn chế, bất cập ở khâu thực thi. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ nhanh để kịp thời có vốn sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các thủ tục phức tạp như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ…

Đẩy nhanh hỗ trợ 

Rủi ro nhiều, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp chưa “đến tay”, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vật liệu Tầm Nhìn Việt, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ về vốn vay, lãi suất vay, nhưng để tiếp cận được là rất khó, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các điều kiện vay, chứng minh phương án kinh doanh trong thời gian tới có khả quan không, khả năng trả nợ… là những điều kiện cản trở, bởi trong bối cảnh dịch bệnh sẽ rất khó đánh giá.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... là chính sách rất thiết thực, song ông Vinh cho rằng, cũng sẽ rất khó để tiếp cận bởi doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu.

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, với diễn biến dịch bệnh, giãn cách xã hội tại các địa phương như hiện nay, việc sản xuất, giao nhận hàng của doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, chậm trả nợ lãi ngân hàng nên sẽ rất khó được ưu tiên vay các đợt tiếp theo.

“Công việc đình trệ, công nhân không có việc, doanh thu kém… nên sẽ rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chưa kể vay vốn phải có tài sản đảm bảo, có lợi nhuận để trả nợ. Hiện nay việc duy trì sản xuất, ổn định công việc cho người lao động đã là nỗ lực rất lớn”, ông Kết nói.

Đại diện các doanh nghiệp đều mong muốn có thể dễ dàng tiếp cận chính sách vốn vay hơn nữa, với lãi suất giảm sâu để duy trì sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, thủ tục thực hiện thế nào cũng cần rõ ràng, công khai tới người dân, doanh nghiệp để thuận lợi thực hiện.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, ngành ngân hàng đã có các thông tư; trong đó có Thông tư 03/2021/TT-NHNN mới đây về hỗ trợ vay vốn, lãi vay cho doanh nghiệp, song khả năng chống chịu, điều kiện kinh doanh nội tại hiện nay của doanh nghiệp là rất yếu. Do vậy, cần có những động thái mạnh mẽ, tích cực hơn, các chính sách đưa ra cần thông thoáng và nhanh chóng hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các ưu đãi.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cùng với các chính sách của nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được hệ thống ngân hàng triển khai đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, các ngân hàng cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…

Bài 3: Mong đợi được "tiếp sức" kịp thời

Đức Dũng (TTXVN)
Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 1: Để doanh nghiệp ổn định dòng tiền
Thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN - Bài 1: Để doanh nghiệp ổn định dòng tiền

Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã có hiệu lực được 2 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN