Vơi nỗi lo về chi phí khởi nghiệp
Cách đây vài năm, khi bắt đầu thành lập công ty, chị Phạm Ngọc Thanh, giám đốc công ty S-Vietnam Travel đã gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, vất vả nhất là tìm thuê văn phòng. “Tôi đã đi tìm thuê phòng nhưng thường chỉ có phòng nhỏ hoặc ở quá sâu trong ngõ mà giá cao và hạn chế trong kinh doanh. Với kinh phí của công ty, tôi dự trù mỗi tháng 4 – 5 triệu đồng tiền thuê phòng cho 6 – 10 người. Thế nhưng khi đi tìm phòng thì thường chi phí lên đến 8 – 10 triệu đồng”, chị Thanh cho biết.
Cùng với nỗi lo về giá thuê phòng, chị Thanh còn phải đối mặt với nhiều mối lo khác như tiền mua sắm thiết bị văn phòng, điện thoại, internet... hàng tháng. Số tiền này không hề nhỏ đối với một startup.
“Qua một vài người bạn thì tôi biết đến Up Coworking Space. Không gian ở đây rất tuyệt vời, tạo sự hứng khởi, sáng tạo trong công việc và giá cả phải chăng. Tôi chỉ phải bỏ ra nửa số tiền thuê phòng trước đây mà không phải lo lắng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tiền điện, nước, internet... Ngoài ra, khi tham gia không gian của Up, chúng tôi còn được tham dự các hội thảo dành cho startup tổ chức tại đây miễn phí”, chị Thanh hứng khởi cho biết.
Không gian làm việc tại Up Coworking Space Lương Yên.
|
Up Coworking Space là một mô hình làm việc chung, đây vừa là một startup cũng là một hình thức hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp. Chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ hơn nhiều so với thuê mặt bằng bên ngoài, các startup đã có không gian làm việc hàng tháng, cả ngày lẫn đêm với đầy đủ vật tư của một công ty như máy chiếu, phòng họp, mạng wifi, thậm chí cả chỗ nghỉ ngơi.
Coworking-space cung cấp các dịch vụ chỗ ngồi làm việc cố định hoặc linh hoạt, kèm theo các tiện ích văn phòng. Khách hàng có thể đăng ký theo quý, theo tháng hoặc thậm chí theo giờ để đến làm việc và tương tác với nhau.
Anh Trần Quang Hưng, một trong những người sáng lập nên Up Coworking Space cho biết, anh cùng các bạn trong nhóm đã tiếp xúc với rất nhiều startup để đầu tư và nhận thấy khó khăn chung của các bạn trẻ khởi nghiệp chính là vấn đề thuê văn phòng. Từ đó, không gian Up Coworking đã ra đời từ đầu năm 2016 tại số 1 Lương Yên. Không gian làm việc chung được chia làm các phòng làm việc riêng, phòng họp dành cho 10 – 20 người. Sau khoảng thời gian 3 tháng thì hơn 800m2 không gian làm việc chung đã được hơn 200 công ty thuê kín chỗ.
Cách bài trí gần gũi, thân thiện, thoải mái như ở quán cà phê.
|
Ưu điểm của Up Coworking Space là hợp lý hóa khoảng thời gian của mọi người, thay vì với diện tích bình thường 4 m2/người thì ở đây là 1 m2/người, bao gồm cả khoản lưu thông, không gian sinh hoạt chung. Hơn nữa, gộp chung nhiều dịch vụ, chia sẻ, tận dụng khoảng thời gian trống giúp giảm nhiều chi phí. Đồng thời, khi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng làm việc trong một không gian sẽ phát huy được thế mạnh chuyên sâu của từng doanh nghiệp, họ sẽ có điều kiện hỗ trợ nhau kịp thời tùy vào thế mạnh của từng doanh nghiệp. Từ đó hình thành nên những cộng đồng khởi nghiệp làm việc hiệu quả.
Không gian khơi nguồn sáng tạo.
|
Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp
Sau khi Up Coworking Space kín chỗ mà nhận thấy nhu cầu khởi nghiệp vẫn còn rất nhiều, nhóm của anh Hưng đã phối hợp với BK‐Holdings (Hệ thống doanh nghiệp của Trường ĐHBK Hà Nội) mở thêm không gian làm việc chung mới BKHUP Coworking Space với diện tích 1200m theo chuẩn quốc tế tại tầng 3, tòa nhà A17, số 17 Tạ Quang Bửu (Hà Nội).
Không gian làm việc tại BKUP. Ảnh: BKUP.
|
Nếu như công trình UP tại Lương Yên được thiết kế đặc biệt ngay từ sảnh với thiết kế không gian tối, nhưng khi mở cửa sẽ nhìn thấy một không gian tươi sáng, thể hiện tinh thần Năng động – Tri thức thì công trình BKHUP được thiết kế có điểm nhấn là “1 chiếc gương kỳ diệu”, mà khi bước qua chiếc gương sẽ là không gian phản chiếu, được thiết kế theo phong cách kinh điển của Standford với nhiều vòm cuốn, khơi gợi sự sáng tạo.
BKHUP đã thu hút nhiều nhóm các bạn sinh viên khởi nghiệp, các nhà sáng chế trẻ...Đây không chỉ là không gian làm việc chung mà còn là nơi để các startup hỗ trợ lẫn nhau, bởi mỗi startup là một thế mạnh riêng.
“Up mở tại Bách Khoa nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, nếu như các bạn sinh viên mới có dự án thì UP sẽ giảm giá, hiện nay giá thuê tại BKUP mỗi tháng 750.000 đồng/người, tương đương mỗi ngày các bạn phải trả tiền một cốc cà phê nhưng được hưởng tất cả các dịch vụ của UP, kể cả đồ uống. Đối với nhóm đông sẽ được giảm giá hơn nữa. Đặc biệt, đối với các bạn nữ khởi nghiệp, chúng tôi sẽ miễn phí hoàn toàn tất cả các dịch vụ nhằm khuyến khích các bạn”, Trần Quang Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, không gian làm việc chung chỉ phù hợp với một số công ty và nghành nghề nhất định và đặc biệt phù hợp với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, maketting online, bán hàng online, các dịch vụ tư vấn, lập trình, game, các vấn đề về wesite và mạng xã hội... Với những đặc thù riêng, không gian làm việc này không phù hợp với các ngành nghệ đỏi hỏi bí mật công nghệ, phòng thí nghiệm và máy móc chuyên dụng.
Không gian chung nhưng vẫn có sự riêng tư, giúp tập trung làm việc.
|
Khi được hỏi với chi phí bỏ ra khá nhiều, lên đến hơn 9 tỷ đồng đầu tư cho BKUP mà giá thuê thấp, thậm chí còn miễn phí như vậy thì Công ty Up liệu có lợi nhuận? Người sáng lập Up cho biết, mục đích thành lập nên Up không chỉ vì doanh thu mà quan trọng là khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp.
“Thay vì đi tìm startup để đầu tư thì công ty có thể chọn startup ngay tại UP, hiện nay chúng tôi đã tìm được và đầu tư cho vài startup tại UP. Đồng thời, UP cũng là cầu nối giữa các nhà đầu tư với startup. Nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ cũng được tổ chức tại UP nhằm đem đến cơ hội tìm nhà đầu tư cho các startup”, Trần Quang Hưng cho biết.
Với mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tăng gặp gỡ, kết nối và cùng nhau khơi nguồn sáng tạo và phát triển giữa các startup, Công ty Up dự định đến năm 2018 sẽ mở rộng mô hình này lên đến 20 không gian khởi nghiệp chung tại hầu hết các tỉnh, thành phố lớn.
“Đến khi nào không gian của UP càng mở rộng, giá thuê rẻ hơn một cốc cà phê vỉa hè thì đó là thành công và cũng là đích mong muốn của UP”, Trần Quang Hưng cho hay.