Tại triển lãm năm nay, 25 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu đa dạng các loại thủy sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc… cả đông lạnh và các sản phẩm chế biến sẵn.
Ngay từ buổi khai mạc, các gian hàng của Việt Nam đã rất nhộn nhịp và thu hút được đông đảo khách hàng đến tìm hiểu sản phẩm và cơ hội hợp tác làm ăn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị rất chu đáo cả về hàng hóa, thông tin liên quan cùng các giấy tờ chứng nhận để giới thiệu với khách tham quan và các đối tác.
Bên cạnh đó, với các hoạt động như “Diễn đàn thủy sản Việt Nam-Triển vọng hợp tác” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức; hay Hội thảo về cá tra và Hội thảo về tôm do VASEP cùng Tổng cục thủy sản và tỉnh Cà mau tổ chức đã góp phần kết nối và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
Trong khuôn khổ triển lãm, phát biểu tại “Diễn đàn thủy sản Việt Nam-Triển vọng hợp tác”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định chiến lược phát triển các sản phẩm thủy sản mũi nhọn của Việt Nam như cá tra, tôm… theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, tập trung phát triển về chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển bền vững.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, trả lời phóng viên TTXVN, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết đối với các sản phẩm cá tra và tôm, các doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn nuôi bền vững của thế giới trong việc kiểm soát từ con giống, dây chuyền sản xuất đến thành phẩm cuối cùng.
Đối với sản phẩm đánh bắt, Việt Nam đã tuân thủ quy định về đánh bắt hợp pháp của châu Âu. Còn về nuôi trồng, vấn đề truy xuất nguồn gốc là đặc biệt quan trọng. Đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng được tiêu chí này. Về phần các doanh nghiệp lớn trong ngành, như các doanh nghiệp hàng đầu về các tra và tôm đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn châu Âu.
Ông Bùi Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc công ty Minh Phú cũng khẳng định việc đảm bảo chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững đã giúp doanh nghiệp đứng vững và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Minh Phú đã đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của EU, đạt được chứng nhận của các tổ chức uy tín như Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), Global Gap, chứng nhận về sản phẩm nuôi trồng hữu cơ như EU Bio, Bio Suisse… nên rất tự tin trong việc cạnh tranh tại thị trường châu Âu.
Về phía khách hàng, Phó tổng giám đốc công ty Mitsui &Co châu Âu, Javier Cordova cho biết ông chọn đối tác Việt Nam vì các doanh nghiệp đã có sự cải thiện cả về kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi ở châu Âu và về phần mình, Mitsui &Co đã mua sản các phẩm tôm của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam có giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt và đây là điều rất quan trọng. Theo ông, người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm đến sức khỏe nên để tăng lượng bán vào thị trường này, Việt Nam cần tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, người mua cần biết rõ sản phẩm đến từ đâu, các loại thức ăn chăn nuôi đã được sử dụng không được chứa dư lượng kháng sinh, và tốt nhất là sử dụng thức ăn hữu cơ trong nuôi trồng để phát triển bền vững lâu dài.
Cùng với việc nhấn vào mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản với giá trị gia tăng cao đang là một xu hướng chung của Triển lãm Brussels năm nay. Việc ngày càng có nhiều công ty Việt Nam chú trọng vào các mặt hàng thủy sản đã qua chế biến mang hàm lượng giá trị gia tăng cao là một điểm mới tại triển lãm năm nay khi mà nhu cầu về sản phẩm này trên thị trường châu Âu ngày càng tăng.
Bà Trần Hương, công ty Trangs UK Ltd, cho biết Việt Nam có nhiều công ty cung cấp các sản phẩm chế biến sẵn mang giá trị gia tăng nên tính cạnh tranh cao. Doanh nghiệp luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng sản phẩm. Riêng công ty Trangs UK Ltd, từ khi bắt đầu bước chân vào ngành thủy sản, đã xác định là luôn phải thay đổi và làm mới các sản phẩm của mình. Bà Hương đánh giá việc Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào về thủy hải sản cũng như về rau củ là thuận lợi lớn cho việc đa dạng sản phẩm, và các doanh nghiệp cần đa dạng hóa để có vị trí vững chắc trên thị trường EU.
Với nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm cùng với các diễn đàn và hội thảo bên lề Triển lãm hàng đầu thế giới này, ngành thủy sản Việt Nam đã chứng tỏ nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy quảng bá nhằm tăng cường khả năng chiếm lĩnh thị trường EU. Thông qua các hoạt động đa dạng và bổ ích này, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, thương nhân cũng như các Hiệp hội ngành hàng của các nước có cơ hội được cung cấp và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, đồng thời đề xuất các giải pháp bền vững nhằm đẩy mạnh khả năng tiêu thụ, trao đổi các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
EU hiện là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng đối với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam từ hàng chục năm qua và có nhiều triển vọng trong tương lai. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2018 đạt 275,8 nghìn tấn với giá trị 1,4 tỷ USD, con số này đưa EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm trên 16,7% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Bên cạnh đó việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới đang được kỳ vọng là sẽ có thể giúp gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu thông qua việc cắt giảm thuế.