Tiếp sức để doanh nghiệp hồi phục

Theo Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn đăng ký hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng doanh nghiệp giải thể đã giảm 0,9% so với 6 tháng năm 2014. Điều đó cho thấy, “sức khỏe” của doanh nghiệp đang dần cải thiện.

Niềm tin hơn vào thị trường

Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê - TCTK), 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng và tích cực trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp vẫn cần “tiếp sức” để hồi phục. Ảnh minh họa: Vận hành máy sản xuất túi nhựa PE phục vụ nhu cầu đóng gói sản phẩm của Công ty. 
Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Theo TCTK, doanh nghiệp đăng ký mới hứa hẹn sẽ tạo làn sóng tăng trưởng cao, tác động tốt đến nền kinh tế. Nghị quyết 19 về giảm thiểu thời gian đăng ký kinh doanh và thời gian nộp thuế doanh nghiệp cũng rất quan trọng, là tín hiệu tốt giúp cho môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.

“Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, đặc biệt là thủ tục hành chính”.

Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo các chuyên gia kinh tế, số doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy, nhờ có sức đề kháng và chiến lược kinh doanh tốt, những doanh nghiệp có vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn những doanh nghiệp nhỏ.

“Tình hình sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến. Đội ngũ doanh nghiệp có niềm tin hơn nhờ nền kinh tế vĩ mô ổn định, các hiệp định được ký kết. Với những doanh nghiệp đầu tư cuối năm 2014 thì phải cuối năm nay mới đánh giá hết được, nhưng nhìn chung là do thị trường tốt hơn nên doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư. Nhập siêu tăng cũng phản ánh việc các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh”, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nói.

Theo Cục Quản lý kinh doanh, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ 3.9 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mới đây cho thấy: Xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và quý III/2015 ổn định và phát triển hơn so với quý I/2015. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II so với quý trước, có 40,5% số doanh nghiệp cho rằng, sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn; 39,4% doanh nghiệp kỳ vọng kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III so với quý II, 49,4% số doanh nghiệp tin tưởng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.

Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Số lượng doanh nghiệp bị giải thể trong 6 tháng đã giảm so với cùng kỳ, tình hình sản xuất kinh doanh đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, sức đề kháng của doanh nghiệp còn yếu.
Chuyên gia kinh tế, TSTrần Du Lịch cho rằng, Nhà nước phải thực sự là “bà đỡ” cho doanh nghiệp, nói cách khác cần dỡ bỏ các chính sách để không gây khó cho doanh nghiệp. Còn theo TS Trần Hoàng Ngân, Việt Nam có 96% DNNVV nên tiếp tục cần hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; công tác dự báo để giúp doanh nghiệp, từ đó tạo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế,

6 tháng năm 2015 có thêm 45.406 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh là 4.708 doanh nghiệp, giảm 0,9%. Bên cạnh doanh nghiệp đăng ký mới thì các doanh nghiệp đang tồn tại cũng tăng vốn và mở rộng vốn kinh doanh.

“Những khó khăn của DNNVV không thể tự thân giải quyết được... Nhà nước cần quan tâm hơn nữa, phải có nguồn lực hỗ trợ bài bản; hỗ trợ đào tạo, thị trường; cơ chế tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục hành chính đơn giản, đặc biệt hỗ trợ mặt bằng cơ sở sản xuất”, ông Tô Hoài Nam nói.

Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua để giúp doanh nghiệp thụ hưởng chính sách một cách hiệu quả và đúng mục đích; tăng cường hiệu quả hoạt động của các định chế tài chính thông qua việc tăng cường nguồn lực tài chính cho các tổ chức này, ban hành các chính sách thu hút vốn đầu tư vào các quỹ bảo lãnh tín dụng; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế thông qua ban hành chế độ quản lý rủi ro đối với các doanh nghiệp thuộc đối thượng thanh tra/kiểm tra về thuế; tiếp tục sửa đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế, phần mềm hỗ trợ công tác tự động xây dựng báo cáo hồ sơ hoàn thuế; nộp hồ sơ hoàn thuế qua mạng.


Minh Phương
Doanh nghiệp “dò dẫm” đầu tư vào nông nghiệp
Doanh nghiệp “dò dẫm” đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù có hơn 70% dân số gắn bó, đóng góp đến 20% vào GDP, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua vẫn lạc hậu, manh mún, sản xuất nhỏ lẻ… Thực tế này khiến các doanh nghiệp dù rất tâm huyết đầu tư cũng phải e dè trước những trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN