Theo đánh giá Bộ Công Thương, Việt Nam có dư địa lớn trong tiết kiệm điện ở nhiều ngành và lĩnh vực, như với ngành công nghiệp đạt khoảng 15-30%. Điều này đặt ra nhiều nhiệm vụ, chính sách cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu Quốc gia trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng, giảm khí thải, hiệu ứng nhà kính như cam kết của Chính phủ giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280 ngày 13 tháng 3 năm 2019 phê duyệt Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Quyết định này đặt ra mục tiêu tiết kiệm được từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng, tương ứng với việc tiết kiệm được khoảng từ 60-80 triệu tấn dầu quy đổi.
Những mục tiêu trên là thách thức không nhỏ đối với ngành năng lượng Việt Nam. PGS. TS. Bùi Xuân Hồi cho hay, để khuyến khích tiết kiệm điện, các quy định, chính sách phải thực sự rõ ràng, bản thân doanh nghiệp phải nhận được lợi ích từ việc này, tránh việc như hiện nay, ngành điện phải chủ động đi trao đổi, đàm phán với doanh nghiệp để thực hiện điều chỉnh phụ tải.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Huy, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, việc sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao hơn để thay thế thiết bị hiệu suất thấp chỉ là một trong số các giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Chúng ta có nhiều giải pháp khác như điều chỉnh hành vi của phụ tải điện, thông qua đó giảm việc sử dụng năng lượng như: điều hòa, cắt bớt thiết bị không cần thiết, điều chỉnh khung thời gian sử dụng điện. Tuy nhiên, điều này cần thêm cơ chế khuyến khích, cơ sở pháp lý để phía nhu cầu điều chỉnh hành vi, đảm bảo tiết kiệm điện nói chung.
Hiện nay, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, cường độ năng lượng, Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP, cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaysia khoảng 60%... Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, vấn đề tiết kiệm điện đã được nhà nước quan tâm, ban hành nhiều quyết định, chỉ đạo về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.... Tuy nhiên, thời gian tới, cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt, lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đồng thời, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam...
Có thể nói, việc tiết kiệm điện là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, Bộ Công Thương và EVN đã phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở dùng điện trong kiểm toán năng lượng, tư vấn tiết kiệm điện để giúp người dân nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiểu được lợi ích của tiết kiệm điện mang lại cũng như là giải pháp để tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Tuy vậy, để thúc đẩy các chương trình quản lý phía nhu cầu, điều chỉnh phụ tải điện, dịch vụ tiết kiệm điện, các chuyên gia cho rằng, cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi xuất ưu đãi, giảm thuế... cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngoài ra, có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững thông tin, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, loại bỏ các trang thiết bị lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng...
Đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên cả nước, với khoảng 3000 cơ sở, chiếm 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, Bộ này cho hay, đây là các đơn vị cần được ưu tiên và thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, các đơn vị này phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ ít nhất một lần trong vòng 3 năm; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; báo cáo với các cơ quan, địa phương về tình hình sử dụng năng lượng cũng như mức tiết kiệm năng lượng đạt được hàng năm và kế hoạch của các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cùng một số bộ, ngành đã xây dựng các quy định, quy chuẩn về định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành nghề do bộ mình quản lý.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng được 7 thông tư quy định về định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành sắt thép, sản xuất giấy, nhựa, bia - nước giải khát, mía đường, chế biến thủy hải sản và trong thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện và xây dựng hệ thống các quy chuẩn, quy phạm pháp luật đồng bộ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thúc đẩy mạnh mẽ tất cả các ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho hay, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp như hỗ trợ kỹ thuật thông qua các nguồn ngân sách, kinh phí sự nghiệp của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trọng điểm trong việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO5001; hỗ trợ một phần kinh phí về kiểm toán nhà nước cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính ưu đãi như dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí khoảng 100 triệu USD. Nguồn kinh phí này được hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm để doanh nghiệp có thể là giải quyết được bài toán về vốn đầu tư cho các giải pháp và thay thế công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và kiến nghị với Chính phủ phê duyệt, ban hành cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực năng lượng...