Nhiều hợp đồng được kí kết
Theo Bộ Công Thương, đã có 49 hợp đồng được ký kết trực tiếp giữa đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (DN) như: Siêu thị Big C khu vực miền Bắc kí với cơ sở bánh cáy Gia Liên (Thái Bình), HTX Tâm Hòa tỉnh Cao Bằng; Công ty cổ phần Phát triển siêu thị Hà Nội kí với Công ty CP thực phẩm Á Châu Ninh Bình, Công ty CP sản phẩm và dịch vụ Thành Nam... Trong đó, các mặt hàng thực phẩm chủ yếu là đặc sản các vùng miền.
Sản phẩm của Công ty Chè Tân Cương - Hoàng Bình (Thái Nguyên) đang nhắm đến mục tiêu vào các siêu thị lớn của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Thực tế cho thấy, các hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Công Thương tổ chức thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong khuôn khổ chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt” do Bộ Công Thương tổ chức từ 27/9 - 2/10, đã có hơn 100 hợp đồng liên kết DN - siêu thị được ký kết, qua đó nhiều DN sản xuất đã tìm được đầu ra vững chắc cho sản phẩm của mình. Đại diện các siêu thị cho biết, họ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt.
Ông Naohisa Saeki, Giám đốc phụ trách mua hàng của Công ty TNHH AEON (Nhật Bản) cho biết, 90% hàng hóa được bày bán trên siêu thị AEON được mua từ các nhà sản xuất Việt Nam. Siêu thị này sắp khai trương tại Hà Nội sẽ ưu tiên các mặt hàng rau sạch (rau hữu cơ), cá và hải sản, thực phẩm đông lạnh, quần áo mùa đông… của Việt Nam. Đại diện siêu thị Big C phía Bắc cũng cho hay, 95% hàng hóa trong siêu thị Big C là hàng Việt Nam. Hằng năm, Big C xuất khẩu 1.100 container hàng hóa nông sản, thủy sản sang 20 nước với trị giá hơn 30 triệu USD.
Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, chiến lược thời gian tới là tập trung vào các nhóm hàng nông sản thế mạnh, rau củ quả các vùng miền. Đây là cơ hội cho các DN tận dụng lợi thế địa phương mình. Nếu kết nối được với siêu thị thì đó sẽ là lối ra bền vững cho hàng hóa nông sản.
Doanh nghiệp cần chủ động
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm như thịt, nông sản đã được các siêu thị ưu tiên tiêu thụ thì một số mặt hàng khác vẫn gặp khó khăn. Ông Đặng Hồng Vũ, Công ty xuất nhập khẩu Thu Nguyệt (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan của công ty đã xuất khẩu được sang nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, tuy nhiên tại các hệ thống siêu thị của Hà Nội lại vắng bóng.
“Chúng tôi mong các đơn vị phân phối quan tâm đến mặt hàng thủ công để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước”, ông Vũ nói.
“Tôi nghĩ cần có sự đồng nhất về quy chuẩn chất lượng hàng hóa. Hiện các địa phương đặt ra các tiêu chuẩn hàng hóa chưa đồng nhất với tiêu chuẩn của hệ thống phân phối. Mặt khác, các nhà sản xuất nhỏ còn thiếu về thủ tục, giấy tờ, giấy chứng nhận… nên các siêu thị không đồng ý nhận hàng”. Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, Hà Nội |
Tương tự, Công ty CP Chè Tân Cương - Hoàng Bình (Thái Nguyên) chỉ có các sản phẩm chè chất lượng cao xuất hiện tại các siêu thị mini, siêu thị gia đình. Còn tại các siêu thị lớn, DN chỉ cung cấp được chè phân khúc trung bình. “Thông qua hội nghị kết nối, chúng tôi rất mong muốn được trở thành nhà cung cấp tại các hệ thống siêu thị nổi tiếng”, đại diện công ty cho biết.
Theo bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tiềm năng của các sản phẩm hàng hóa nông thôn rất lớn và đa dạng. Tuy nhiên, thông tin về các loại sản phẩm hàng hóa chưa ổn. “Danh sách gợi ý các sản phẩm đưa vào siêu thị của Bộ Công Thương hiện mới có khoảng 150 - 160 sản phẩm, trong đó chủ yếu là thực phẩm và đồ uống. Còn nhiều sản phẩm như thủ công mỹ nghệ thì vẫn thiếu”, bà Loan cho hay.
Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội rất lớn với hơn 9 triệu dân, trong khi nguồn cung của Hà Nội không đáp ứng được. “Các DN địa phương muốn đưa hàng thành công vào siêu thị thì cần phải chủ động liên kết với Sở Công Thương của tỉnh mình. Từ đó các sở Công Thương sẽ chủ động liên kết với nhau. Chúng tôi sẽ tạo nhiều điều kiện hỗ trợ DN các tỉnh đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Hà Nội”, bà Lan nói.
Đại diện siêu thị AEON Việt Nam khẳng định, siêu thị này không phân biệt DN lớn nhỏ, chỉ cần hàng hóa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và nguồn hàng là có thể tiến hành đàm phán và ký kết.