Thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4/2023. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực.
“Sắp tới, chúng tôi chỉ đạo, định hướng, vận động các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Chính sách hạ lãi suất cho doanh nghiệp là 1 trong 8 chính sách NHNN triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023. Đó là: Việc điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá; tạo dư địa của lượng tín dụng năm nay, dự kiến là 14,5%, cho việc khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng; bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD); tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay.
“Tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay. Hiện, gói 120 nghìn tỷ cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại đang triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước; giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm; chỉ đạo các NHTM cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cuối cùng là chính sách giảm lãi suất”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo lãnh đạo NHNN, trong thời gian ngắn, đánh giá tính hình kinh tế trong nước và quốc tế, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các NHTM trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, giảm lãi suất huy động chung của các TCTD của nền kinh tế khoảng từ 1 - 1,2% lãi suất huy động, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các NHTM Nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%. Đây là mức tính trung bình cho các NHTM Nhà nước”.
NHNN thống kê, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới, những khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6 - 6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất của Việt Nam khá tích cực trong thời gian qua.
Kỳ vọng giảm lãi suất với doanh nghiệp trong thời gian tới, nhưng quan điểm của NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý, bảo đảm mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỉ giá và lãi suất. Do vậy, việc điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các NHTM tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Liên quan đến việc nhiều kiến nghị nới “room” tín dụng vào bất động sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các TCTD quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.
Thống đốc NHNN cho rằng, để cải thiện tiếp cận tín dụng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác từ các bộ, ngành và các địa phương. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực bất động sản, khó khăn pháp lý phải được giải quyết thì các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mới phát huy, doanh nghiệp mới chứng minh được có dòng tiền trả nợ theo kỳ hạn mới.
Về kiến nghị nới room tín dụng nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà, Thống đốc NHNN cho rằng, thực tế những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế - ngay cả trong quý I/2023 khi tín dụng tăng trưởng chậm. "Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các TCTD quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Những tháng đầu năm, các TCTD không chạm trần tăng trưởng tín dụng", Thống đốc NHNN cho biết.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với đặc thù tín dụng bất động sản thường có kỳ hạn dài, số tiền lớn nên khi cấp tín dụng, các TCTD phải cân đối trên cơ sở thực tế huy động vốn và cân đối sử dụng vốn để đảm bảo cấp tín dụng nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.
Với tính chất dài hạn, nguồn vốn cho doanh nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản ngoài vốn tín dụng, cần tăng cường huy động từ các nguồn vốn khác như FDI, trái phiếu doanh nghiệp (đây là những vấn đề Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để phát triển lành mạnh, bền vững).
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 31/3, tín dụng đối với các lĩnh vực bất động sản lại tăng 2,19%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%. Số liệu của các địa phương báo cáo, tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (2.572 căn); nhà ở riêng lẻ (9.123 căn); đất nền (7.113 nền). Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Tính đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được 58 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và người dân (gồm: 3 văn bản của 2 địa phương - Đồng Nai có 2 văn bản, Sóc Trăng có 1 văn bản; 50 văn bản của 37 doanh nghiệp; 5 văn bản của người dân) liên quan đến 115 dự án bất động sản. Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.
Nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, quý I/2023 là một trong những quý I có tốc độ tăng trưởng thấp, động lực tăng trưởng suy giảm chủ yếu do lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo - nguyên nhân chính dẫn đến các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng.
Bộ KH-ĐT đã tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng, đặc biệt chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…