Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở vừa ban hành Kế hoạch số 4262/KH-SCT về kiểm tra liên ngành các hoạt động sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn trên địa bàn. Mục đích của việc kiểm tra nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá mặt hàng này. Từ đó, Sở thống kê đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường đối với các nguồn khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, kết nối, duy trì và đảm bảo nguồn cung ứng khẩu trang cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, đồng thời giúp bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng...
Theo kế hoạch, đoàn liên ngành sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, hệ thống các nhà thuốc và các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn. Nội dung kiểm tra bao gồm: xem xét Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều kiện lưu hành các sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn; hồ sơ công bố tiêu chuẩn hoặc hồ sơ đăng kí lưu hành sản phẩm khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn đơn vị đang kinh doanh; nguồn cung, giá cả hàng hóa trước và trong giai đoạn bùng phát dịch cùng các nội dung khác có liên quan.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản, niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ các hoạt động trái pháp luật của thương nhân và các đơn vị. Đồng thời, xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ của sai phạm, đoàn kiểm tra có thể kiến nghị các mức độ xử lý khác theo quy định.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, trong tháng 8, TP Hồ Chí Minh sẽ sản xuất khoảng 21 triệu chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn để đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho thị trường. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải cũng đã thống kê và còn nhiều hàng trong kho nên nguồn cung khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, nước sát khuẩn... khá phong phú. Vì vậy, người tiêu dùng không cần tích trữ hàng hóa để đẩy giá các mặt hàng này tăng cao, đồng thời gián tiếp tiếp tay cho các tiểu thương có cơ hội đầu cơ, găm hàng tăng giá mặt hàng khẩu trang y tế… gây xáo trộn đến thị trường.
Dự kiến, thời gian kết thúc kiểm tra các mặt hàng này kéo dài đến hết ngày 30/9 hoặc có thể kéo dài, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.