TP Hồ Chí Minh nâng cao cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế

Trong năm 2020 TP Hồ Chí Minh sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

 Đây là định hướng phát triển quan trọng của UBND TP Hồ Chí Minh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020, tổ chức sáng 6/1. 

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. 

Tái cấu trúc nền kinh tế

Theo lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu dựa vào nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, thành phố sẽ tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đào tạo nguồn nhân lực lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH17 của Quốc hội thí điểm cơ chế đặc thù, Đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2019 thành phố đã đạt được nhiều chỉ tiêu, kết qua kinh tế xã hội quan trọng; trong đó thu ngân sách đạt 409.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như thực thi công vụ còn hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ. Hơn nữa, việc bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, kẹt xe nghiêm trọng diễn ra ở một số quận huyện, vận tải hành khách giảm mạnh…

Trong năm 2020, thành phố đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 8,3 - 8,5%. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRDP, thu ngân sách đạt 100% dự toán.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập mới 44.000 doanh nghiệp, tạo 135.000 việc làm mới cho người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,7%. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,06 m2/người. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%, Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) trong nhóm 5 tỉnh, thành có điểm cao nhất...

Triển khai nhiều giải pháp

Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp để tăng nguồn thu, nhất là khi tỷ lệ để lại ngân sách của thành phố thấp (từ 23% giảm còn 18%), việc giải ngân đầu tư công chậm, vận tải hành khách công cộng giảm.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2020 thành phố phải trình Bộ Chính trị 2 đề án là điều chỉnh tỷ lệ giữ lại ngân sách và chính quyền đô thị. Đây là 2 bước đột phá lớn về thể chế nên thành phố phải chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời.

Hơn nữa, nhiều nhiệm vụ đặt ra lớn, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhưng thành phố có khả năng thực hiện. Cùng với đó, thành phố phải kịp thời, cương quyết xử lý các vấn đề đột xuất, dự báo tốt, không để bất ngờ.

“Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng hiện nay việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp còn chậm. Lãnh đạo các sở ngành, UBND quận huyện làm đúng chức năng, đúng pháp luật thì không sợ sai, từ đó quyết tâm làm nhanh. Ở chỗ nào chưa rõ, còn băn khoăn, pháp luật còn chồng chéo thì tập thể lãnh đạo cơ quan bàn bạc, thống nhất để từ năm 2020 làm nhanh hơn cho người dân và doanh nghiệp”, Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù, hoàn thành Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025. Xây dựng các đề án quan trọng gồm đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đề án phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, xây dựng thành phố thông minh và Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Ngoài ra thành phố rà soát quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ dự án cáo tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, khép kín vành đai 2, thử nghiệm mô hình vận tải hành khách công cộng, hoàn thành dự án chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng, dự án tuyến metro số 1, triển khai nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại… Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết thí điểm về rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cụ thể giải pháp thu ngân sách, bà  Lê Ngọc Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2020, ngành tài chính sẽ tăng cường các biện pháp và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, công bố các đơn vị chậm đóng thuế. Ngành sẽ rà soát, phân loại, sắp xếp các dự án đầu tư để trình UBND Thành phố phân bổ kế hoạch vốn, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để chi đầu tư phát triển.

Ngoài ra, ngành tài chính cũng sẽ tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cơ chế phối hợp giữa Thành phố với các Bộ, ngành trong việc sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do Trung ương quản lý trên địa bàn.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, thúc tiến độ dự án chậm tiến độ, không giải quyết tạm ứng cho chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục. Nếu các đơn vị đến cuối năm 2020 mà giải ngân dưới 90% sẽ không xét thi đua và thu nhập tăng thêm.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố: Trong năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành một số dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, bến xe Miền Đông, cải tạo mặt đường tỉnh lộ 10B, hầm chui An Sương, quốc lộ 22 đồng thời phấn đấu khởi công các dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, khép kín vành đai 2, triển khai tuyến vành đai 3…

Để có thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông ngoài nguồn ngân sách, thành phố sẽ khai thác nguồn lực từ đất đai, bất động sản, điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga metro để tăng hiệu quả sử dụng đất. Mặt khác, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các trục giao thông, các tuyến đường sắt đô thị; đồng thời thu hồi và tổ chức đấu thầu một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng giá trị lớn để tạo vốn đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu kinh tế năm 2020
Tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu kinh tế năm 2020

Mặc dù nhận định kinh tế trong nước năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức nhưng với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”, và sự điều hành quyết liệt trong những năm qua của Chính phủ cùng các yếu tố tích cực về kinh tế vĩ mô, môi trường chính trị ổn định..., Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tin rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu 6,8% do Quốc hội đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN