Theo Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương, dự báo thời điểm bắt đầu từ chiều tối ngày 15/4 lượng hành khách sẽ tăng nhưng không cao trên một số tuyến đường từ tỉnh Khánh Hòa trở vào các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên…
Còn dịp 30/4 và 1/5, do ảnh hưởng sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) nên dự báo lượng khách đi lại bằng xe khách qua bến xe miền Đông năm nay sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Hành khách sẽ tập trung chủ yếu vào các tuyến đường có cự ly trung bình ngắn và các khu vui chơi giải trí trên các tuyến từ thành phố Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên trở vào phía Nam, khu vực Miền Tây và nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang... Cao điểm ngày 29/4 sẽ có khoảng 40.750 khách đi lại qua bến xe.
Nhiều người dân đến bến xe Miền Đông để về quê. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Về mức phụ thu giá cước, các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai phụ thu không quá 30%, áp dụng từ ngày 29/4 - 1/5; các tuyến thuộc khu vực Cao Nguyên (Tây Nguyên, Lâm Đồng), Ninh Thuận, Bình Thuận đến Quảng Ngãi phụ thu không quá 40%, kể từ ngày 29/4 - 1/5. Riêng các tuyến từ bến xe miền Đông đi các tỉnh miền Tây phụ thu theo kế hoạch của Công ty CP bến xe Miền Tây, còn các tuyến từ bến xe Miền Tây đi các tỉnh miền Đông sẽ thống nhất phụ thu với tuyến tại bến xe Miền Đông.
Trong khi đó, tại bến xe Miền Tây, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh miền Tây trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 ngày cao điểm 30/4 và 1/5 dự kiến có khoảng 47.000 – 49.000 khách/ngày, tăng gấp đôi so với ngày thường. Các tuyến có khách đi nhiều là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu... Dự kiến, bến xe Miền Tây sẽ tăng cường 60 xe buýt loại 40 ghế để giải tỏa hành khách. Về mức phụ thu tiền vé, các đơn vị vận tải tại bến xe miền Tây được điều chỉnh tăng không vượt quá 40% giá vé so với ngày thường, thời gian phụ thu chỉ tính trong 2 ngày 30/4 và 1/5.
Liên quan đến vấn đề đi lại trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, theo Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, dự kiến ngày 12/4 sẽ hoàn tất công tác vận chuyển 37 toa tàu khách ra các ga Biên Hòa, Trảng Bom và Hố Nai (Đồng Nai), cùng với các toa tàu hàng từ ga Sài Gòn xuống Biên Hòa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, ga Biên Hòa sẽ tăng cường chạy 8 đôi tàu khách/ngày (14 toa/tàu khách), đồng thời ngành đường sắt cũng lập mới 57 đôi tàu chuyển tải khách đoạn Sài Gòn – Sóng Thần (Bình Dương), kết hợp với chuyển tải bằng ô tô đoạn Sóng Thần – Biên Hòa. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng đang tiến hành cải tạo lại mặt đường, lắp đặt thêm đường ray… tại ga Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa để tăng khả năng vận chuyển và phục vụ bốc xếp hàng hóa.
Còn theo Xí nghiệp phà Bình Khánh, phục vụ nhu cầu đi lại dịp Giỗ tổ Hùng Vương, xí nghiệp sẽ huy động 8 phương tiện phà có trọng tải từ 60 - 200 tấn, đồng thời tăng cường 160 chuyến đôi/ngày (tăng hơn 200% so với ngày thường) và tăng 50% quân số. Còn với Lễ 30/4 và 1/5, xí nghiệp sẽ tăng cường 200 chuyến đôi/ngày (tăng hơn 260% so với ngày thường) cũng như tăng cường 100% quân số phục vụ. Trong khi đó, phà Cát Lái sẽ huy động 13 phà có trọng tải từ 60 - 200 tấn với khoảng 240 chuyến đôi/ngày, tăng 150% so với ngày thường để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, còn dịp Lễ 30/4 và 1/5, bến sẽ tổ chức phục vụ với khoảng 260 chuyến đôi/ngày, tăng hơn 160% so với ngày thường đồng thời tăng cường 60% quân số phục vụ.