Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, ngay sau khi phát hiện đàn lợn dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) đã tiến hành tiêu huỷ 58 con lợn với tổng trọng lượng trên 2 tấn. Đồng thời thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh theo quy định.
Hiện nay, thời tiết thay đổi thường xuyên, mưa nắng bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi. Dịch tả lợn châu Phi tuy đã có vaccine phòng bệnh nhưng chưa được tiêm phòng rộng rãi trên đàn lợn của tỉnh nên nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi nhận thức về tính chất nguy hại và lây lan của dịch tả lợn châu Phi, không vứt xác lợn ra ngoài môi trường tự nhiên như sông, kênh, rạch…
Cùng đó, vận động hộ chăn nuôi hàng ngày kiểm tra thể trạng đàn lợn, khi phát hiện triệu chứng bất thường cần báo cho cơ quan chuyên môn để được phối hợp xử lý; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…
Để kiểm soát tốt ổ dịch đang xảy ra, chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương khẩn trương tiêu huỷ lợn bệnh ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh, cùng các biện pháp dập dịch theo quy định.
Đồng thời, Sở còn phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tả lợn châu Phi để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và cộng đồng.
Ngành chuyên môn chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Ngành cũng tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất - nhập tỉnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm lợn, không để tình trạng mua bán, giết mổ lợn bệnh mang ra bán tại các chợ làm lây lan dịch bệnh.
Tỉnh Trà Vinh khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vận động hộ chăn nuôi tham gia tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi có sự giám sát của ngành chuyên môn.
UBND các địa phương khẩn trương rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi mới phát hiện dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.
Đối với địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, nhất là các địa phương giáp ranh với vùng dịch, các vùng nguy cơ cao để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn; rà soát, thống kê tổng đàn lợn hiện có nhằm định hướng các giải pháp phòng, chống dịch.
Những địa phương này cũng tăng cường kiểm dịch, vận chuyển, vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp lợn nghi mắc bệnh để kịp thời phát hiện dịch bệnh, xử lý triệt để không làm lây lan.
Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun xịt khử trùng người và phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi,... để phòng dịch. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn lợn, khi phát hiện các triệu chứng bất thường báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kịp thời phối hợp xử lý.
Tỉnh Trà Vinh hiện có tổng đàn lợn gần 260.000 con. Đầu năm nay dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh và đến cuối tháng 3, dịch bệnh đã được kiểm soát, tỉnh công bố hết dịch. Trước đó, dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề đến ngành chăn nuôi địa phương.
Chỉ từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, ngành chức năng tỉnh đã tiêu hủy hơn 86.000 con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi của 3.911 hộ, với tổng trọng lượng gần 4.000 tấn. Tỉnh Trà Vinh đã bố trí kinh phí hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn châu Phi phục hồi sản xuất.