Gs.Ts. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ câu chuyện về xuất khẩu gạo của Việt Nam tại hội thảo. Ảnh: Đặng Huyền/Pv TTXVN tại Mỹ |
Tiếp nối thành công của Hội thảo “Nông nghiệp bền vững: Chuyện
không chỉ của nhà nông học” tổ chức tại Đại học bang Arizona năm 2017, năm nay Cộng đồng chuyên gia nông nghiệp Việt Nam
toàn cầu (VietAgGlobal) phối hợp với Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ
chức hội thảo Nông nghiệp bền vững II với chủ đề “Nâng cao chất lượng
nông sản và bài toán xuất khẩu” tại thành phố Arlington,
bang Virginia, Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tham dự hội thảo ngày 23/3 có các
nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh
vực nông nghiệp Việt Nam và Mỹ như Tiến sĩ Sonny Ramaswamy - Giám đốc Viện nghiên cứu Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc
gia Mỹ (NIFA); ông Dennis Donohue - Giám đốc Trung
tâm Đổi mới Công nghệ Western Grower; Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân -
Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng - Đại
học RMIT (Australia); Tiến sĩ Nguyễn Phong Anh, Giám đốc Trung tâm
Thông tin Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Viện Chính sách Nông
nghiệp, cùng các chuyên gia, nghiên cứu sinh và đại diện doanh nghiệp
đến từ Việt Nam và Mỹ.
Tại hội thảo, các diễn giả đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng
nông sản Việt Nam với nhiều cơ hội và thách thức. Năm 2016, tổng giá trị
xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam lần đầu tiên vượt tổng giá trị xuất
khẩu dầu thô, đạt 2,62 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi,
xuất khẩu nông sản Việt đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi
hỏi sự nỗ lực hợp tác của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và đặc
biệt là các nhà khoa học nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng
sản phẩm nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cho biết Việt Nam cần xác định và tập
trung vào các mặt hàng nông sản mà các nước khác cần chứ không phải các
mặt hàng mà Việt Nam muốn xuất khẩu. Bên cạnh đó vấn đề vận chuyển hiện
đang là một trong những rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
So với nhiều nước, phí vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang
quá cao trong khi muốn thâm nhập vào thị trường nước ngoài, yếu tố đầu
tiên là giá phải rẻ, sau đó mới đến an toàn và chất lượng. Vì vậy cần
phải xem xét lại các loại phí chuyên chở, phí giao thông, phí nhập khẩu,
giấy tờ thủ tục phải nhanh gọn. Để giải quyết bài toán này cần có sự
can thiệp của nhà nước.
Tiến sĩ Nguyễn Phong Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Viện Chính sách Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ những thách thức và phát triển chính sách nông nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: Đặng Huyền/Pv TTXVN tại Mỹ |
Tiến sĩ Sonny Ramaswamy cho rằng Việt Nam cần chú trọng trước hết
là tới yếu tố chất lượng, sau đó đến giá thành sản phẩm. Đây được cho
là hai yếu tố vô cùng quan trọng mà không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước
nào cũng phải quan tâm để có chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu
nhiều năm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
chuyển giao kỹ thuật công nghệ, sự hỗ trợ của chính quyền, đội ngũ các
nhà khoa học và doanh nghiệp tư nhân đối với nông dân, và công tác đào
tạo các nhà khoa học trẻ.
VietAgGlobal là mạng lưới kết nối các sinh viên, nghiên cứu sinh,
các doanh nghiệp trẻ Việt Nam tại Mỹ với mục đích phát huy vai trò của
các thành viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy lòng yêu nước
bằng những đóng góp thiết thực cho xã hội và cho Tổ quốc.
So với hội
thảo năm 2017, hội thảo năm nay có quy mô lớn hơn, bước đầu hình thành
những dự án cụ thể với trọng tâm là nông nghiệp, phát triển bền vững, an
toàn thực phẩm, nông nghiệp sạch, sản phẩm hữu cơ, nhằm hai mục đích: An toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và an toàn xuất khẩu nông sản của
Việt Nam.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn giúp tìm ra giải pháp nâng cao
chất lượng hàng nông sản xuất khẩu và hướng mở rộng thị trường mà còn là
cầu nối hợp tác giữa chính phủ hai nước, giữa chính phủ, nhà khoa học
và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.