Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh sách hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn phải cổ phần hóa (CPH) trong năm 2020. Tiến độ được đẩy nhanh, chất lượng CPH được nâng cao - giới chuyên gia kỳ vọng: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn được dòng vốn của nhà đầu tư nội và ngoại vào hoạt động phát hành công khai lần đầu (IPO).
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest, danh sách phê duyệt có 93 đơn vị bao gồm 4 doanh nghiệp thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ - Vinacomin; Tổng công ty Lương thực miền Bắc - VinaFood I; Công ty TNHH MTV Khoáng sản.
Ngoài ra có 62 doanh nghiệp CPH, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Đáng chú ý như Tổng công ty viễn thông Mobifone, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UCID), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành. Số doanh nghiệp CPH, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần là 27 gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…
"Điều này sẽ làm cho thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn, thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nội và ngoại vào hoạt động phát hành công khai lần đầu - IPO trong thời gian tới" ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến nay mới CPH được 35/127 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 27,5%; hoàn thành thoái vốn được 88/405 doanh nghiệp, đạt 21,8% so với kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020. Đây được xem là tốc độ “rùa bò”.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp tháo gỡ vấn đề trên là cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm những người đứng đầu doanh nghiệp, tránh tình trạng ngại CPH vì sợ “mất chỗ”. “Tâm lý sợ mất chỗ, mất quyền lợi cũng phần nào do cơ chế. Nếu chúng ta có những cơ chế rõ ràng đối với những người giữ trọng trách ở các tập đoàn, tổng công ty sau khi CPH thật cụ thể thì anh em sẽ yên tâm hơn. Các quy định hiện nay đã nêu rõ thời gian CPH. Trong Chỉ thị số 01 Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để chậm công tác CPH. Vấn đề ở đây là làm tốt công tác tư tưởng, công tác cán bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình”, Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nói.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VIEM), lợi ích của CPH đã được thể hiện trong suốt thời gian qua, đa số các doanh nghiệp sau CPH các chỉ tiêu tài chính đều tốt hơn rất nhiều. “Đơn cử như Vinamilk đã cho thấy câu chuyện về sợ mất chỗ chỉ có ở một bộ phận rất là nhỏ và có lẽ ở bộ phận cán bộ có trình độ, năng lực còn hạn chế nên e ngại sau khi chuyển thành công ty cổ phần sẽ không được bầu lại”, ông Phạm Đức Trung nói.
Ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh: Chính phủ đã yêu cầu thay thế, cách chức những cá nhân không hoàn thành tiến độ CPH, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình CPH. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý hầu như chưa có trường hợp nào. Đây có thể là lý do khiến các cả nhân nằm trong bộ phận nhỏ trên cản trở tiến trình CPH không cảm thấy e ngại.
Theo ông Trung, cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của doanh nghiệp mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ CPH.
Mặc dù tiến độ CPH chưa được như kỳ vọng nhưng chất lượng CPH đến nay được đánh giá tốt hơn nhiều so với trước. Từ 2016 đến nay, cả nước đã CPH được hơn 160 doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn như: Tổng công ty phát điện 3 Genco 3, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Hàng hải, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp quy mô lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và thực sự đây là những thương hiệu mạnh. Chỉ riêng việc thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 100.000 tỷ đồng.
“Chỉ trong 3 năm, tiền thu được từ CPH, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 60% theo Nghị quyết của Quốc hội trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Đây là điểm mạnh cho thấy, chất lượng của CPH doanh nghiệp nhà nước từ 2016 đến nay đã được nâng lên rất nhiều rồi”, ông Phạm Đức Trung nhận xét.