Thực hiện tái cấu trúc hệ thống trong 2 năm qua, Vicem đã tái cơ cấu, tăng vốn điều lệ, cổ phần hóa 2 đơn vị thua lỗ triền miên là Công ty Xi măng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và Công ty Xi măng Sông Thao (tiếp nhận từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD vào tháng 6/2017).
Nhờ vậy, hết năm 2018, Công ty Xi măng Hạ Long đã đạt lợi nhuận trước thuế 130 tỷ đồng, lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Xi măng Sông Thao cũng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 30 tỷ đồng và đã trả được khoảng 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính. Đến thời điểm này, Vicem đã hoàn tất tái cấu trúc hai doanh nghiệp trực thuộc này và chấm dứt được lỗ, đồng thời đảm bảo đủ tiền trả nợ hiện tại.
“Việc tái cấu trúc doanh nghiệp Vicem không phải là cấp vốn để trả nợ cho các đơn vị thua lỗ, mà tăng vốn điều lệ để các doanh nghiệp tự ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và chiếm lĩnh lại thị trường, từ đó tự trả nợ, tự giảm lỗ, chứ Vicem không làm thay. Và các doanh nghiệp thành viên phải tự hạch toán độc lập, phát triển kinh doanh theo đúng luật”, ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem chia sẻ.
Riêng với các Công ty TNHH MTV do Vicem nắm giữ 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH MTV Xi măng Hoàng Thạch và Hải Phòng hiện vẫn đảm bảo an toàn về tài chính, đảm bảo chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng so với cùng kỳ. Đối với các công ty con là Công ty Cổ phần do Vicem nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, Bút Sơn sau tái cơ cấu không như kỳ vọng, áp lực trả nợ vay đầu tư lớn… nên Vicem đã sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để bổ sung tài trợ, trả nợ dài hạn…