Đó là lời khẳng định của bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong phiên thảo luận trực tiếp chiều 30/7 nhằm công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7/2020 của WB.
Theo bà Stefanie, đại dịch COVID-19 được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua, với những rủi ro không chỉ trên mặt trận y tế mà còn trên mặt trận kinh tế. Trong đó, có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương một nửa người lao động tại Việt Nam, đã có lúc bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của WB lập luận rằng Việt Nam không nên tư duy theo hướng đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như cũ mà thay vào đó, Việt Nam nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Trong đó, việc tìm hướng thay thế cho động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, bao gồm sức cầu ở nước ngoài và động lực tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, chính phủ cần chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng kết hợp, thận trọng mở cửa biên giới, đi kèm với triển khai gói kích thích tài khóa và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xã hội.
Ngoài ra, dịch COVID-19 đã tác động đến hầu như tất cả mọi người song không phải tất cả mọi người dân đều chịu tác động như nhau. Vì vậy, tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh và điều này đòi hỏi sự quan tâm của chính phủ.
Khép lại bài phát biểu bằng góc nhìn lạc quan, bà Stefanie dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới, với dự báo tăng trưởng GDP đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi lên mức 6,7% vào năm 2021.