Trợ giá xe buýt phải đến được với người dân

Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm ngân sách TP Hồ Chí Minh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Thế nhưng, hiệu quả lại không được như mong đợi, kéo theo đó lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm mạnh.

Không trợ cấp tràn lan

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian qua, phần trợ cấp xe buýt không phải hành khách được hưởng lợi toàn bộ mà doanh nghiệp cũng được hưởng lợi để bù đắp chi phí cao. Cụ thể, chi phí trợ cấp cho hành khách không tăng, nhưng tổng trợ cấp cho doanh nghiệp đã tăng cao 18,5 lần qua 10 năm (2002 - 2012).

Hành khách đón xe buýt tại Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Cành, trợ cấp xe buýt phải căn cứ vào kết quả đầu ra chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như đang thực hiện. Hơn nữa, việc trợ cấp phải dành cho hành khách chứ không phải cho doanh nghiệp. Cách tính trợ cấp xe buýt như hiện nay (kinh phí trợ giá bằng tổng chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu) là chưa hợp lý do không làm rõ giá vé thị trường. Vì thế, để tính toán mức trợ giá phù hợp phải dựa trên hệ thống số liệu hành khách đi lại, đồng thời đảm bảo việc trợ giá phải đúng tuyến, không trợ cấp tràn lan.

Về giải pháp thu hút hành khách đi xe buýt, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành cho rằng cần đảm bảo việc đi xe buýt nhanh hơn, an toàn hơn, dịch vụ tốt hơn đồng thời thu phí cao đối với các loại xe cá nhân, cấm xe máy ở một số đường khu trung tâm thành phố. Chính quyền cần tạo cơ chế cho các đơn vị vận tải hành khách công cộng được quyền làm dịch vụ quảng cáo để thu phí quảng cáo, tăng doanh thu hoạt động cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tuyến xe buýt như đường đi lại thoải mái, trạm chờ có mái che, chỗ ngồi chờ thông thoáng, công bố điện tử giờ xe đến, đi.

Lý giải nguyên nhân lượng hành khách đi lại giảm mạnh, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, do xe buýt xuống cấp, thời gian hành trình tăng, thiếu các điểm trung chuyển, mạng lưới trùng lắp, bến bãi, hạ tầng phục vụ xe buýt yếu kém, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên thiếu hòa nhã, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu… Tại một số hợp tác xã, đã xảy ra tình trạng nhà xe kê khai khống vé do sợ bị phạt, vì đạt sản lượng được giao gây bức xúc trong dư luận.

Cải thiện chất lượng dịch vụ


Theo đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh, năm 2002, thành phố đã tổ chức 8 tuyến xe buýt có trợ giá và đầu tư 1.318 xe buýt mới với sự tham gia của 32 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 12 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 1 doanh nghiệp nhà nước, 1 công ty TNHH, 1 công ty liên doanh và 9 hợp tác xã. Hiện khối lượng vận chuyển đang giảm mạnh, từ 413,14 triệu lượt hành khách trong năm 2013 xuống còn 334,5 triệu lượt trong năm 2015.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu đi lại của người dân (tương đương khối lượng vận chuyển đạt 1.035 triệu lượt hành khách trong năm 2020). Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố cho biết, sẽ thực hiện nhiều nhóm giải pháp như cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua việc sắp xếp lại các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, làm vé điện tử thông minh; thay 500 xe mới trên 28 tuyến có trợ giá trong năm 2016 và thay 1.000 xe trong năm 2017.

Về giải pháp cơ sở hạ tầng, ngành giao thông thành phố sẽ rà soát lại quỹ đất giao thông tĩnh, đưa vào hoạt động bến xe buýt Tân Phú, Cầu Lớn, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, ga Hòa Hưng, quận 4… Đồng thời, thực hiện một số tuyến đường có làn ưu tiên cho xe buýt, điều chỉnh lộ trình 13 tuyến xe buýt có trợ giá trong năm 2016 để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời mở thêm các tuyến xe buýt mới trên địa bàn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, thành phố cần phân loại từng đối tượng trợ giá xe buýt, làm rõ mức vé hòa vốn là bao nhiêu để làm cơ sở đấu thầu giá; đồng thời phải tạo lòng lề đường thông thoáng cho người đi bộ đến các trạm xe buýt. Có như vậy mới thu hút hành khách đi lại bằng xe buýt. Mặt khác thành phố cũng cần đổi mới mô hình quản lý vận tải hành khách công cộng, thay vì để quá nhiều đơn vị tham gia dẫn tới tình trạng “mạnh ai người ấy làm”, cần tập trung một mối để dễ quản lý, kiểm soát.

Trần Xuân Tình
Nên trợ giá cho hành khách đi xe buýt
Nên trợ giá cho hành khách đi xe buýt

Phương tiện xuống cấp, chất lượng phục vụ thấp, bỏ khách, bỏ bến, di chuyển chậm… là những lý do khiến hiệu quả của việc trợ giá xe buýt trong thời gian qua không đạt mục tiêu như mong đợi, thậm chí lượng khách đi xe có xu hướng ngày càng giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN