Năm 2021, nho tím không hạt và nho xanh không hạt của hợp tác xã đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, tạo hướng đi mới cho sản phẩm này.
Theo anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, hợp tác xã được thành lập năm 2017 với 7 thành viên. Ban đầu, cùng với diện tích đất vốn có của các thành viên, hợp tác xã đã thuê thêm đất để trồng dưa lưới, dưa chuột và cà chua trái vụ. Mô hình này đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần trồng lúa cho nông dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, anh Liêm đã tìm hiểu những giống cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên trong hợp tác xã.
Nhận thấy nho là loại quả thơm, ngon, giàu chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2020, anh mua giống nho xanh không hạt và nho tím không hạt tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) trồng thử nghiệm với 80 gốc. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, nho đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau thành công bước đầu, năm 2021, hợp tác xã của anh đã mở rộng diện tích, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với quy mô 3 trang trại, tổng diện tích 3.500 m2.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc nho, ông Nguyễn Thanh Hòa, sinh năm 1965, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, thành viên hợp tác xã cho biết, cũng giống như những giống cây ăn quả khác, khi chăm sóc nho, đòi hỏi người trồng cần tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đặc biệt, hiểu được từng đặc tính, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nho để có chế độ chăm sóc hợp lý.
Với chất đất pha cát, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, hợp tác xã xây dựng nhà màng, mái vòm và bắc giàn, vun luống nhằm giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, vừa hạn chế nước mưa để nho không bị úng, thối rễ. Đặc biệt, muốn thành công, người trồng nho phải làm chủ được công nghệ, kỹ thuật chăm sóc; trong đó, giai đoạn quan trọng nhất là xử lý cho cây ra hoa.
Theo ông Hòa, nho thường ra hoa mỗi năm hai vụ, vì vậy, hợp tác xã lựa chọn thời điểm có thời tiết tốt nhất, nhiệt độ không cao cho cây ra hoa như vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch hàng năm. Trước thời điểm đó 1 tháng, hợp tác xã tăng cường bón phân và cắt cành. Nhờ vậy, sẽ kích thích nho ra hoa và đậu quả đạt tỷ lệ cao. Từ khi ra hoa đến thu hoạch mất thời gian 3 tháng.
Trong thời gian cây lớn, thành viên hợp tác xã thường xuyên ngắt ngọn, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Đặc biệt, nho là giống cây rất dễ bị sâu bệnh như bọ trĩ, bọ cánh cứng, thối cuống quả, phấn trắng... nên khi chăm sóc cây, các thành viên trong hợp tác xã đều chú ý. Để hạn chế tình trạng này, hợp tác xã sử dụng các loại thuốc từ chế phẩm sinh học để bảo đảm cung cấp cho thị trường những thực phẩm sạch, ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, muốn nho quả to, tròn đều, người nông dân phải tỉ mỉ dùng kéo cắt tỉa từng quả từ khi còn nhỏ. Khi đến khi thu hoạch, nho có màu đặc trưng của từng giống, vỏ mỏng, vị thanh ngọt, giòn chất lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt có hương thơm cuốn hút. Trung bình, nho cho năng suất 5kg/gốc/vụ. Với giá thành 120.000 đồng/kg, mỗi mỗi năm hợp tác xã cho doanh thu hơn 800 triệu đồng từ trồng nho, gấp 5 lần trồng rau trước đây.
Cuối năm 2020, nho xanh không hạt và nho tím không hạt được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, tạo cơ hội cho tiêu thụ sản phẩm, nhất là đưa nho đến với chuỗi nhà hàng, siêu thị.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh cho biết, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời mở rộng quy mô, diện tích trồng. Anh Liêm cũng mong muốn có thể chuyển giao công nghệ cho nhân dân địa phương nhằm tạo khối lượng sản phẩm ổn định, từ đó giới thiệu sản phẩm và tìm nguồn tiêu thụ như đưa sản phẩm vào trong chuỗi các cửa hàng thực phẩm, siêu thị...
Thời gian qua, được lựa chọn tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, anh cùng các thành viên trong hợp tác xã đã được các cấp chính quyền tạo điều kiện tham gia các cuộc tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn được tập huấn, tiếp cận kỹ thuật chuyên sâu về trồng những giống cây mới nhiều hơn. Đồng thời, anh Liêm mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ người dân trong liên kết, tạo đầu ra ổn định. Theo anh Liêm, có như vậy mới tạo điều kiện nông dân yên tâm sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp mới bền vững.
Đánh giá về mô hình trang trại của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh, ông Nguyễn Xuân Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du cho biết, mô hình trồng rau sạch, cây ăn quả của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Liêm Anh là một trong những mô hình điển hình đã mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, với việc đưa vào trồng các sản phẩm nho đã mang lại giá trị kinh tế cao. Từ mô hình này, có rất nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đến học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật. Điều đó, khẳng định sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của nông dân Bắc Ninh.
Thời gian qua, một số sản phẩm của hợp tác xã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã, phường thị trấn một sản phẩm. Đây là cơ hội để nho xanh không hạt và nho tím không hạt xây dựng thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và cũng đặt ra yêu cầu để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bắc Ninh cũng đã xây dựng quy chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào chương trình OCOP. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình OCOP, những sản phẩm này được tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là trong những cuộc triển lãm.