Từ tháng 7/2014 và đến tháng 10/2017 đã có 1.551 phương tiện mang cấp VR-SB. Tuyến vận tải này đã vận chuyển hơn 46,8 triệu tấn hàng hóa, bình quân mỗi tháng đạt 1.171 tấn/tháng. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang được khai trương từ tháng 7/2014 và đến tháng 10/2017 đã có 1.551 phương tiện mang cấp VR-SB. Tuyến vận tải này đã vận chuyển hơn 46,8 triệu tấn hàng hóa, bình quân mỗi tháng đạt 1.171 tấn/tháng.
Cụ thể, sau năm đầu tiên mở tuyến (tháng 7/2014 đến tháng 9/2015), tổng số hàng hóa vận chuyển trên tuyến đạt gần 6,1 triệu tấn. Năm thứ 2 là 17,6 triệu, năm thứ 3 là 23,1 triệu tấn. Như vậy, sản lượng vận tải liên tục tăng, trong đó năm thứ 3 tăng hơn 3% so với năm đầu tiên.
“Riêng 10 tháng đầu năm 2017, các Cảng vụ Đường thủy nội địa, hàng hải làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển 23.035 lượt phương tiện với hơn 21 triệu tấn hàng hóa. So với cùng kỳ năm 2016 tăng gần 163% lượt phương tiện và gần 154% sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa, cảng biển", ông Trần Bảo Ngọc thông tin.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp vận tải, địa phương đều đồng thuận, ghi nhận việc Bộ Giao thông Vận tải mở tuyến vận tải ven biển dành cho tàu VR-SB. Đồng thời, mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa để vận tải phát triển hơn nữa. Trong đó, quan tâm chỉ đạo giải quyết một số vấn đề như: đẩy nhanh thời gian làm thủ tục cho phương tiện sông pha biển (SB) tại các cảng biển, thuyền viên đã có bằng hàng hải được làm việc trên tàu SB mà không cần đào tạo thêm, mở rộng phạm vi hoạt động của tàu SB đến 20 hải lý, siết chặt kiểm soát tải trọng đường bộ...
Phát biểu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đánh giá cao các doanh nghiệp đã đầu tư, tham gia hoạt động trên tuyến vận tải ven biển, tạo sự kết nối vận tải bằng đường thủy, hàng hải với các khu công nghiệp ven biển, giảm tải cho đường bộ.
Thứ trưởng Nhật cho biết, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào tuyến vận tải ven biển nói riêng, lĩnh vực đường thủy, hàng hải nói chung.
“Các cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy, Đăng kiểm cần tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, rà soát các quy định để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn cho tuyến vận tải này", Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động của tuyến vận tải ven biển, để các Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực, Cảng vụ Đường thủy nội địa phương khi làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng bến thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu liên quan vào cơ sở dữ liệu để quản lý.