Thông tin được đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là đất nước có lợi thế nổi trội về nông nghiệp. Nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như thủy sản, cà phê, hồ tiêu… Xuất siêu hàng nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 89 tỉ đô la Mỹ một năm. Tuy nhiên, tỉ lệ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp xếp trong nhóm thấp nhất thế giới.
Tăng trưởng nông nghiệp từ năm 2010 của nước ta có xu hướng giảm dần do khả năng huy động các nguồn lực tài nguyên về đất, nước, nhân lực giảm… trong khi đó, khoa học công nghệ ở nước ta chưa phát huy được tiềm năng. Đầu tư khoa học công nghệ cho nông nghiệp chỉ chiếm 0,2% GDP. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp 33% tăng trưởng của nền nông nghiệp Việt Nam, con số này chưa bằng một nửa so với Thái Lan hay Trung Quốc.
Qua thực tế đó, ông Hoàng Vũ Quang đề nghị cần tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ vào nông nghiệp, qua đó phát huy tốt nhất lợi thế nổi trội để nền nông nghiệp Việt Nam đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua Nghị định 57/2018/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư ở các địa bàn với các ngành sản xuất khác nhau. Định hướng đến năm 2030, Việt Nam đứng Top 15 về nông nghiệp (hiện nay nước ta đang đứng thứ 16) và đứng Top 10 về chế biến nông - lâm - thủy sản.
Nhiều chuyên gia đều cho rằng: Khoa học kĩ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, có thể tạo nên những đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ Nano sẽ tạo ra các giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, rút ngắn được chu kỳ thu hoạch và chống chịu thời tiết khắc nghiệt; xử lí phế phẩm, chất thải, giảm ô nhiễm môi trường; ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại giúp bảo quản tốt các thực phẩm tươi sống trong thời gian dài và nhiều công nghệ khác giúp kiểm soát an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc hàng hóa.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đưa ra một số áp dụng công nghệ 4.0 trong canh tác lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là công nghệ chế biến phân bón thông minh gồm 4 thành phần: Vô cơ, hữu cơ, chất kích thích tăng trưởng, vi sinh và được bao lại bằng chất dẻo nano thành từng viên nhỏ nhằm kiểm soát thời gian thấm thoát ra môi trường. Với loại phân bón này, vụ mùa người nông dân chỉ cần bón một lần.
Không những thế, gần đây, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng quy trình 3 trong 1, đó là tích hợp bộ phận vùi phân và phun vi sinh trong máy cấy nhằm tiết kiệm tuyệt đối thời gian gieo trồng và chăm sóc. Cách làm này kết hợp với hệ thống bơm nước điều khiển từ xa và việc nuôi vịt trong lúa tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 50% công lao động, giảm hơn 60% giống, giảm phân bón 40%, sâu bệnh giảm đến 50%.
Một số phát minh khác như hệ thống đo độ mặn trong nước và báo kết quả tự động của các kĩ sư trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được áp dụng một cách hiệu quả. Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, nông nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận nhanh, song không nóng vội chạy theo phong trào. Cần dựa trên thực tế sản xuất ở Việt Nam, tùy thuộc vào vùng sinh thái, loại cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất…
TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế như có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng hợp tác quốc tế…
Tùy theo lợi thế nông sản của mỗi vùng, cơ quan trung ương và địa phương cần có các chính sách chiến lược sát thực tiễn nhằm phát huy các nguồn lực để “tiến quân” vào cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp để Việt Nam có những mô hình nông nghiệp quy mô lớn, tạo ra nhiều nông sản độc đáo, đảm bảo an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh cao vào năm 2020.