Đây là Kết luận được ban hành dựa trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60 - KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Nội dung kết luận nêu rõ: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.
Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tạo nền tảng để thành phố thực sự là đô thị trung tâm vùng và là cực tăng trưởng của vùng…
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến các loại nông sản thế mạnh và đặc hữu của Đắk Lắk và của Tây Nguyên; phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.
Xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ hậu cần, thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê, xây dựng hình ảnh "Thành phố cà phê của thế giới".
Trung ương và tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông thành phố Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không vào khu vực trung tâm đô thị.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm như: tuyến tránh thành phố đường vành đai phía Đông; đường vành đai phía Tây 2; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29; xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (Khánh Hòa); cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng); Dự án đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa; xây dựng các cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế; xây dựng cửa khẩu Đắk Ruê; công trình hồ thủy lợi Ea Kao. Kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch Hồ Ea Kao.
Tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thu hút đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế (cả trong nước và ngoài nước). Nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội riêng có của Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên để tạo đột phá đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia thông qua các hình thức liên kết phát triển ngành, nhất là du lịch. Xây dựng đề án tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong bối cảnh mới. Nâng cấp và phát triển Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, cao đẳng khác đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực…
Chú trọng tham gia hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển văn hóa, xã hội của thành phố theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa, không gian cồng chiêng Tây Nguyên trong điều kiện phát triển đô thị hiện đại; có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, triển khai hiệu quả mô hình chính quyền điện tử; xây dựng thành phố thông minh. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ như trên, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk sớm xây dựng trình Quốc hội cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước, đồng thời an hành chương trình hành động để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.