Trước tình hình trên, các cống đập tại các vùng dự án: ngọt hóa Gò Công phía Đông, kiểm soát lũ phía Tây phải đóng ngăn mặn khiến các kênh mương nội đồng khô cạn trơ đáy, cây trồng thiếu nước nguy cơ suy kiệt và chết dần, thiệt hại lớn cho nông dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, hạn mặn gây ảnh hưởng nặng nhất cho trên 15.000 ha chuyên canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh và là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn: sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh, mít… vốn rất mẫn cảm với độ nhiễm mặn trong nước; trong đó, riêng vùng kiểm soát lũ phía Tây trên 13.000 ha, còn lại nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.
Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Thiện Pháp, trước tình hình trên, địa phương đã triển khai nhanh phương án đầu tư gần 77 tỷ đồng chuyển trên 1,6 triệu m3 nước ngọt về cấp miễn phí cho nông dân vùng thiên tai tưới ứng cứu vườn cây. Nguồn nước ngọt được sà lan lấy từ đầu nguồn sông Tiền đem về bơm vào các điểm, ao trữ nước ngọt để nông dân dùng phương tiện đến lấy.
Qua khảo sát đặc điểm cây trồng mà ngành nông nghiệp đưa ra, tỉnh cấp nước ngọt tưới cây theo định mức bình quân 80 m3/ha cho vườn chuyên canh sầu riêng trong mùa hạn mặn năm nay. Đây là giải pháp tình thế đáp ứng được nguyện vọng bà con, góp phần giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tạo điều kiện để người dân chăm sóc và phục hồi vườn cây sau khi hạn - mặn qua đi.
Tham gia chiến dịch vận chuyển nước ngọt cứu vườn cây ăn quả có nhiều đơn vị tập thể, cá nhân tham gia; trong đó, chủ công là HTX Rạch Gầm - một đơn vị có tiềm lực lớn về vận tải thủy. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rạch Gầm Trần Đỗ Liêm, đơn vị từ khi triển khai đến nay đã vận chuyển được trên 640.000 m3 nước phục vụ công tác phòng chống hạn mặn, ứng cứu vườn cây, trị giá trên 25 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Lệ, canh tác 0,4 ha (4.000 m2) sầu riêng chuyên canh tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy cho biết, gia đình chị được Nhà nước cấp miễn phí 32 m3 nước ngọt tưới cây. Nhờ vậy, khu vườn cơ bản chống chịu được trước thời tiết khô hạn khốc liệt đề chờ mưa tới có nước tưới tiêu và đẩy lùi hạn mặn.
Đồng thời, để phát huy hiệu quả phòng chống hạn mặn, Tiền Giang còn triển khai những giải pháp đồng bộ khác như hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn cây ăn quả trước, trong và sau hạn - mặn, đảm bảo cây trồng phục hồi và phát triển trở lại, đầu tư kiện toàn mạng lưới thủy lợi nội đồng trữ ngọt, theo dõi sát diễn biến độ mặn trên hệ thống sông Tiền và sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông… để khi có nước ngọt thì mở các cống đập lấy bổ cấp ngay phục vụ tưới tiêu chống hạn.
Đáng chú ý, ngay từ đầu mùa khô, dự đoán trước tình hình thiên tai phức tạp, lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng Viện Cây ăn quả Miền Nam cùng các ngành hữu quan tổ chức tọa đàm chuyên đề về “ứng phó hạn, mặn trên cây ăn trái” tại điểm nhà ông Nguyễn Văn Nhiên, nông dân chuyên canh sầu riêng ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, nằm trong vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng tỉnh Tiền Giang.
Tại đây, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam Võ Hữu Thoại cùng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam lần lượt phổ biến, hướng dẫn bà con vùng chuyên canh những giải pháp khẩn cấp chăm sóc vườn cây vượt qua thiên tai, hạn – mặn.
Đồng thời, các địa phương trong vùng ảnh hưởng thiên tai nặng nề như: Cai Lậy, thị xã Cai Lậy,…cũng cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận các xã tập huấn nông dân qui trình chăm sóc vườn cây ăn quả đặc sản trước, trong và sau hạn mặn… Tất cả nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi tốt sản xuất, đảm bảo đời sống.
Nhờ vậy, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2.300 ha bị thiệt hại do thiên tai trong tổng diện tích cây ăn quả hiện có trên 79.000 ha, với mức thiệt hại từ 30% trở lên. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, nông dân Tiền Giang cũng đã thu hoạch đạt sản lượng trên 495.000 tấn trái cây các loại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.