Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình kích cầu nội địa năm nay có sự tham gia của 40 doanh nghiệp lữ hành với mức giá giảm từ 25 - 50%, ngành hàng không giảm đến 50%, đường bộ và đường sắt giảm 40%… Đây là động thái của các doanh nghiệp khi ứng phó với dịch COVID-19.
Theo bà Khánh, đây cũng dịp để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại, xác định mục tiêu trọng tâm là thị trường trong nước, từ đó đẩy mạnh kích cầu các tour, tuyến du lịch tại thị trường trong nước. Song song đó, với mong muốn triển khai chương trình đạt hiệu quả đồng bộ, mục tiêu của chương trình không chỉ đưa khách từ thành phố đến các địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh, thành đến thành phồ Hồ Chí Minh tham quan, mua sắm…
Hiện nay, các doanh nghiệp thành phố đã chuẩn bị sẵn tour kích cầu để chào bán ngay khi hết dịch bệnh; các điểm đến ưu tiên cũng được các doanh nghiệp xây dựng chương trình tour với các tiêu chí: vùng an toàn, giá kích cầu hấp dẫn, sự đồng hành tích cực của địa phương. Theo đó, đang có những tour về vùng an toàn (các tỉnh chưa xuất hiện dịch bệnh) như: Pleiku - Ban Mê Thuột hành trình 5 ngày 4 đêm với giá 3,34 triệu đồng/khách (giảm 20% so với thời điểm chưa có dịch), tour đảo ngọc Phú Quốc 3 ngày 2 đêm với giá 3,76 triệu đồng/khách (giảm 27% ); tour Bình Định - Phú Yên 4 ngày 4 đêm (4,336 triệu đồng/khách (giảm 20%)…
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết việc hình thành liên minh kích cầu du lịch được tung ra thời điểm này sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành yên tâm phát triển thị trường mới, vực dậy thị trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, để kích cầu du lịch nội địa đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải triển khai kích cầu xuyên suốt trong mùa dịch và sau mùa dịch, với nguyên tắc đảm bảo cho du khách sự an toàn trong mùa dịch và sau mùa dịch khi đi du lịch vẫn đảm bảo an toàn. Thứ hai, các doanh nghiệp liên kết kích cầu không nên có sự trùng lắp khi xây dựng sản phẩm và phải đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức này… Đồng thời, duy trì việc giảm giá sâu tại thị trường nội địa cũng tạo cho ngành du lịch Việt Nam sự cạnh tranh với các thị trường nước bạn như: Thái Lan, Malaysia… Thứ ba, kích cầu giảm giá sâu phải đảm bảo về chất lượng. Giảm giá sâu nhưng chất lượng không đồng hành với cam kết thì đánh mất thị trường du lịch đang duy trì, khôi phục. Thứ tư, cùng xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng chương trình kích cầu, tập trung phát triển thị trường nào đầu tiên, thị trường nào tiếp theo để có từng chính sách giảm giá phù hợp….
Là địa phương đang liên kết với TP Hồ Chí Minh để kích cầu du lịch nội địa, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết, Nha Trang đã huy động hơn 50 doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch với mức giảm sâu đến 40% và vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tương đương khi chưa có dịch bệnh COVID-19. Trong đó, các cơ sở lưu trú khách sạn đăng kí kích cầu giảm giá 50%, tour lữ hành đăng kí giảm 30-40%… .dành cho du khách khi đi du lịch Nha Trang, Khánh Hòa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trong tình hình dịch bệnh hiện nay còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ ăn uống, khách sạn… cần liên kết với nhau, đồng lòng để vượt qua khó khăn. Trong đó, hướng tới cái lợi lớn hơn là phát triển thị trường sắp tới, xây dựng lại thị trường mới với những gói kích cầu thực chất, đúng giá, có lợi nhất cho khách hàng. Từ trước đến nay, điểm yếu của ngành du lịch là thiếu sự liên kết, liên minh; khi liên minh liên kết thì lại có tâm lý tan rã nhanh. Vì vậy, chính lúc khó khăn, sự liên kết này là cùng ngồi bàn bạc với nhau, chọn ra giá tour hợp lý, đôi bên cùng có lợi nhất để chào bán, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước mua tour. Khi bán tour, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống.... cũng cần cam kết giữ giá vé kích cầu với những bản cam kết cụ thể, tránh trường hợp "bẻ kèo" tăng giá trở lại khi các đơn vị lữ hành bán được nhiều tour hoặc khi ngành du lịch phục hồi nhanh chóng.