Việt Nam - Hoa Kỳ ký ghi nhớ phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 7/5, tại Hà Nội, Vụ Năng lượng và Tài nguyên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (ENR) và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký kết Bản ghi nhớ về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh. Đây là minh chứng cho cam kết hỗ trợ của Hoa Kỳ nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 (Quảng Nam) là một trong những nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong năm 2015. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, việc ký kết bản ghi nhớ sẽ hướng hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ tới mục tiêu chung là phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam. Thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam đã được vận hành trong nhiều năm qua. Tuy nhiên để chuyển tiếp sang thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo không phải dễ dàng, và Việt Nam cần nhiều giải pháp để đưa thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo vào năm 2020.

Ông Tuấn cũng cho hay, Việt Nam mới trong giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh nên còn yếu cơ sở hạ tầng và nhân lực vận hành. Để có chuẩn bị tốt nhất cho thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã có những nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường điện của các nước trên thế giới để đưa ra chương trình phát triển phù hợp nhất cho Việt Nam.

"Với các yêu cầu trên, việc tìm kiếm nguồn tài trợ cần thiết, đặc biệt là nguồn tài trợ của Hoa Kỳ là rất quan trọng cho Việt Nam phát triển thị trường điện. Hi vọng, kết quả của dự án sẽ góp phần thúc đẩy ngành điện Việt Nam phát triển theo hướng đảm bảo cạnh tranh công bằng, giá cả minh bạch và nâng cao hiệu quả của các công ty điện ở Việt Nam", ông Tuấn nói. 

Lộ trình phát triển điện Việt Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Từ năm 2010, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư tư nhân xây dựng các nhà máy điện và bán điện theo hình thức PPP. Từ 2011-2014 đã tiến hành xây dựng và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh. Giai đoạn 2015 – 2020, Việt Nam sẽ tiến hành vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ năm 2021 trở đi sẽ xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng Hỗ trợ kỹ thuật này của ENR, Đại sứ Warlick, Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR cho rằng, việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh sẽ “khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng, thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn và khuyến khích bảo tồn thiên nhiên”. Quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh là không dễ dàng, nó đòi hỏi sự hợp tác của các bên tham gia, cần sự vào cuộc của nhiều phía: Bộ, ngành, các công ty mua bán điện và phải thực hiện từng bước theo lộ trình.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật để Việt Nam thực hiện thành công thị trường điện cạnh tranh này. Mục tiêu dự án sẽ tập trung vào cải thiện hoạt động của các đối tượng tham gia như các nhà máy điện BOT, các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của thị trường, để hướng tới phát triển thị trường điện bền vững trong tương lai”, đại sứ Warlick nói.


Đức Dũng (TTXVN)
Phải đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện cạnh tranh, minh bạch
Phải đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện cạnh tranh, minh bạch

Phải đáp ứng được yêu cầu của người dân khi vận hành thị trường điện cạnh tranh và minh bạch, bảo đảm công bằng, qua đó tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc hình thành thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN