Trong số các chỉ số trụ cột, chỉ số giám sát ngân sách trong quá trình lập kế hoạch ngân sách ở Việt Nam được đánh giá là đầy đủ (61/100 điểm cho cơ quan lập pháp và 75/100 điểm cho kiểm toán tối cao), song sự tham gia của công chúng vào quy trình ngân sách vẫn còn hạn chế.
Hoạt động giao dịch kế toán tại kho bạc nhà nước Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Đây là khẳng định của ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) tại hội thảo công bố Chỉ số Công khai Ngân sách 2015 (OBI 2015); chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách.
Theo báo cáo của IBP, OBI 2015 của Việt Nam ở mức 18/100 điểm, gần như không thay đổi so với đánh giá năm 2012. Trong khi năm 2006, chỉ số OBI của Việt Nam được đánh giá ở mức 3/100 điểm, năm 2012 được đánh giá ở mức cao hơn là 19/100 điểm. Nhìn chung, chỉ số OBI của Việt Nam cơ bản không thay đổi kể từ năm 2012, song Luật Ngân sách sửa đổi gần đây khá tích cực, yêu cầu công bố Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài Chính cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có điểm mới là đã quy định rõ hơn về công khai ngân sách và giám sát cộng đồng. Theo đó, Luật đã dành 2 Điều (điều 15 và 16) để quy định về công khai ngân sách và giám sát ngân sách của cộng đồng.
Trong đó, bổ sung nhiều quy định về nội dung, thủ tục, thời hạn công khai. Thêm nữa, Chính phủ sẽ ban hành nghị định chung hướng dẫn trong 1 chương về công khai ngân sách và giám sát của cộng đồng.
IBP đánh giá từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã cải thiện mức độ công khai thông tin ngân sách thông qua việc công bố Tài liệu Ngân sách công dân và tăng tính phức hợp của các báo cáo quý. Đặc biệt, lần đầu tiên năm 2015, Chính phủ Việt Nam công bố bản Sách về Ngân sách được coi là bản ngân sách dành cho công dân.
Tuy Việt Nam đã công khai 5/8 tài liệu quan trọng về ngân sách, nhiều hơn các nước có chỉ số Khảo sát về Công khai Ngân sách (OBS) thấp, song dự thảo dự toán ngân sách nhà nước chưa được công khai; báo cáo kiểm toán được công bố quá chậm theo tiêu chuẩn quốc tế và các tài liệu được công khai thường thiếu chi tiết quan trọng.
Trong khi đó, so với các nước trong khu vực, xếp hạng chỉ số OBI Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5 là nhóm yếu nhất, gồm 17 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách.
Trong cùng nhóm này, Việt Nam xếp trên Trung Quốc, Myanmar, Campuchia. Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Indonesia (59 điểm), Malaysia (46 điểm), Thái Lan (42 điểm). Đặc biệt, Philippines hiện ở nhóm thứ 2 – nhóm các nước có mức công khai ngân sách đáng kể (62 điểm).
Để cải thiện minh bạch, sự tham gia và giám sát, IBP đã đưa ra một số khuyến nghị với Việt Nam trong việc tăng cường công khai các thông tin ngân sách nhiều hơn nữa. Về cải thiện mức độ minh bạch và công khai, Việt Nam nên ưu tiên thực hiện công bố Dự thảo dự toán ngân sách của cơ quan hành pháp khi dự thảo ngân sách được trình lên Quốc hội; công bố kịp thời báo cáo kiểm toán trong vòng 6 tháng và không lâu hơn 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách; xây dựng và công bố báo cáo giữa kỳ.
Bên cạnh đó, Việt nam nên tăng cường sự tham gia của công chúng trong các quy trình công khai ngân sách. Ngoài ra, Việt Nam nên trao quyền cho các tổ chức giám sát như thiết lập một bộ phận nghiên cứu ngân sách riêng cho cơ quan lập pháp để cơ quan này có thể có tiếp cận tốt hơn với các nghiên cứu và phân tích...
Khảo sát về Công khai Ngân sách (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai ngân sách, do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện. IBP hướng tới thúc đẩy các ngân sách quốc gia đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và người có thu nhập thấp trong xã hôi, từ đó xây dựng hệ thống ngân sách minh bạch hơn và có tính giải trình với công chúng.