Theo đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ số về các vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng bao gồm: nguồn nước, giao thông, hướng tiếp cận… Xây dựng phương án, thực tập phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ và phương án có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia theo tình huống đám cháy lan rộng phức tạp để xử lý có hiệu quả khi cháy xảy ra nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất.
Đến nay, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã chủ động giữ nước để phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển của rừng tràm, tại khu vực than bùn cao đảm bảo mực nước trên 30 cm so với bề mặt than bùn; triển khai gia cố 6 cống điều tiết nước, đắp 2 đập giữ nước, chống rò rỉ trong suốt mùa khô; bơm bổ sung 1.445.000 m3 nước (950.000 m3 từ vùng đệm vào vùng lõi khi nguồn nước chưa bị nhiễm mặn; 495.000 m3 từ vùng thấp lên vùng cao).
Vườn thực hiện nạo vét, gia cố 7 hố chứa nước, bán kính 500 m/hố để dự trữ 150 m3/hố tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để dự trữ nguồn nước đảm bảo chủ động chữa cháy rừng; hoàn thành dọn thực vật trên 72 km các tuyến kênh chính; phát dọn 25 đường tuyến tại các khu vực có nguy cơ cháy cao (trung bình 800 m/tuyến), phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận đám cháy khi có cháy rừng xảy ra...
Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao với diện tích 1.115 ha để dựng lán trại, bố trí 4 đội ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng, mỗi đội 6 -10 người; trang bị 2 máy, 2.000 m ống chữa cháy, nhiên liệu ứng trực 24/24 giờ, giám sát lửa rừng theo quy định để chủ động ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Vườn duy trì lực lượng ứng trực ở 9 trạm bảo vệ rừng 3 người/trạm, trung bình hàng ngày vào thời kỳ cao điểm của mùa khô có 72 người tham gia ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Đối với những khu vực trọng điểm có khả năng xảy ra cháy rừng, xây dựng pa nô, tờ rơi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, vườn chủ động điều tiết mực nước giữa các phân khu, đảm bảo mục tiêu phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trong suốt mùa khô, kịp thời theo dõi các yếu tố khí tượng thủy văn để kịp thời dự báo nguy cơ cháy rừng báo cáo kịp thời về Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ tỉnh, huyện.
Vườn thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng với lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội. Đồng thời rà soát, xây dựng các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và khi cháy rừng xảy ra.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, với tổng diện tích tự nhiên hơn 8.537 ha; trong đó rừng đặc dụng 8.0 ha, rừng phòng hộ 471,59 ha. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, diện tích có rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng là 6.484,5 ha (rừng tràm thứ sinh tự nhiên 4.705,2 ha, rừng trồng 1.779,3 ha) và đồng cỏ ngập nước theo mùa có cây tái sinh rải rác là 836,7 ha.
Do đặc điểm rừng tràm phát triển trên đất than bùn có độ dày 0,3 - 1,2 m; nguồn vật liệu cháy khô rất dày, được tích tụ qua nhiều năm có bề dày trung bình 50 cm; khối lượng trung bình 19,3 tấn/ha. Đây là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao khi gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng và kéo dài.