Hà Tĩnh đặt mục tiêu xây dựng, phát triển thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với các trụ cột như: công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển… Trong đó, phấn đấu xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là một trong ba đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.
Nằm ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc tỉnh Quảng Bình, Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 1997, có diện tích 22.781 ha trên cơ sở Khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng. Tại đây hiện thu hút 151 dự án đầu tư gồm: 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng; 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13,5 tỷ USD; giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng đề nghị, các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đánh giá đúng thực tiễn và đưa ra các chương trình, giải pháp, đưa Khu kinh tế Vũng Áng phát huy giá trị đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Hội thảo với 49 tham luận đã đánh giá toàn diện về mọi mặt, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng trong lộ trình phát triển kinh tế của Hà Tĩnh.
Theo ông Hà Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Hà Tĩnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc cung cấp hệ thống các luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, địa phương nâng cao hiệu quả các chính sách thu hút, xúc tiến đầu tư Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Trọng Tứ, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 khẳng định, xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng với các trụ cột gồm: Công nghiệp luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo; trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; phát triển thương mại, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc. Địa phương sẽ phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh từng bước phát triển thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị trung tâm phía Nam; hình thành thành phố Kỳ Anh, liên kết phát triển vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Khu kinh tế Vũng Áng cần tập trung cho hạ tầng thiết yếu, xây dựng phát triển cảng Vũng Áng - Sơn Dương, trung tâm logistics. Tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; quan tâm phát triển nguồn lực, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng; kết hợp phát triển Khu kinh tế Vũng Áng với đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thời gian tới, tỉnh nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, mở rộng quy mô Khu kinh tế Vũng Áng, ưu tiên quỹ đất xây dựng các khu chức năng, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn.