Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH) tổ chức, ngày 14/12.
Kiến tạo niềm tin
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác lâu năm trên nhiều lĩnh vực. Trong kinh tế, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hiện Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư lớn thứ 2 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 63,94 tỷ USD.
Riêng với TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng để TP Hồ Chí Minh có được thành tựu phát triển mạnh mẽ, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hàng năm đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia. Vốn đầu tư FDI đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố trong những năm qua. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19, nhưng dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào TP Hồ Chí Minh vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Tính đến cuối tháng 11/2021, Nhật Bản có 3.218 dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh gồm 1.479 dự án đầu tư trực tiếp và 1.739 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố), đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Hoan, để có được những thành quả trên, bên cạnh việc hỗ trợ nhà đầu tư trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng cơ chế, chính sách, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã chủ động, cầu thị lắng nghe và quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua “Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh”.
Đây là hoạt động được UBND Thành phố chỉ đạo ITPC cùng với các sở, ban, ngành phối hợp với JCCH tổ chức thường niên nhằm ghi nhận và giải quyết những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Từ đó hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư của thành phố, tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Báo cáo tổng kết 20 năm Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC thông tin: Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu ngay sau khi Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JCCH) thành lập, năm 1998. Kể từ đó đến nay, đã có 20 kỳ hội nghị được tổ chức, tiếp nhận và giải quyết 590 vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Trên cơ sở những ý kiến của doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xem đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, năm 1998, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 69 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn. Đến tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218, tăng 46,6 lần so với năm 1998. Đây là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả từ 20 kỳ hội nghị bàn tròn được tổ chức, cho thấy chuỗi hoạt động này đã góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản về cam kết của chính quyền thành phố: luôn đồng hành, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài và có hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh.
Là người có nhiều gắn bó với Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm, ông Nakagawa Motohisa, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh kiêm Trưởng ban Pháp luật của JCCH chia sẻ: Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã làm rất tốt trong việc thường xuyên quan tâm, gặp gỡ, đối thoại với JCCH trong suốt hơn 20 năm qua. Điều này vô cùng hiệu quả trong việc thu hút đầu tư từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng ra các ngành khác như bán lẻ, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…
Ông Nakagawa Motohisa cũng nhấn mạnh: Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành một kênh thúc đẩy sự trao đổi, xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa các thành viên JCCH với các sở, ban, ngành liên quan, thay vì chỉ đơn giản là giải quyết kiến nghị, từ đó mang lại ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư hơn nữa từ các công ty Nhật Bản vào TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tiếp tục đồng hành cùng phát triển
Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch JCCH cho biết: TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, TP Hồ Chí Minh cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực. TP Hồ Chí Minh cũng đang nổi lên là thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhiều tiềm năng đối với nhà đầu tư nhờ quy mô dân số lớn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có nền chính trị ổn định và gần gũi với đất nước Nhật Bản. Vì vậy, số người Nhật sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 1,7 lần so với 5 năm trước (12.481 người năm 2020 so với 7.270 người năm 2015); số lượng hội viên của JCCH cũng đã vượt lên hơn 1.000 doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tác động nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội, hời gian qua chính quyền TP Hồ Chí Minh đã cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục loại bỏ các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, các sở, ngành TP Hồ Chí Minh cũng mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chủ động hơn nữa trong việc tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề; trao đổi thông tin về nhu cầu hợp tác, phát triển trong những lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và lợi thế như phát triển hệ thống logistics, công nghệ cao, đào tạo nhân lực quản lý…
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều tiềm năng để đảy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại với Nhật Bản. TP Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các hoạt động xúc tiến nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư cùng các sở, ngành tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị bàn tròn hàng năm, ghi nhận, giải quyết kịp thời những vướng mắc, yêu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp đối với với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của thành phố, có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét tháo gỡ.
Các hội nghị bàn tròn tiếp theo cần được đổi mới phương thức, không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà cần tăng cường sự tương tác giữa đôi bên, cùng nhau thảo luận theo từng chuyên đề, góp ý xây dựng chính sách hài hòa. Từ đó vận dụng và phát huy được lợi thế của đôi bên để phát triển quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài.