Khách trong và ngoài nước thăm gian hàng trưng bầy giới thiệu của cà phê Trung nguyên tại Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê ở Đắk Lắk năm 2011. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Xuất phát từ điều này, giới phân tích cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản, hiệu quả cho xúc tiến thương hiệu là quảng bá tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông với một thông điệp nhất quán, một hình ảnh thống nhất và ấn tượng về ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.
Nội tại đeo đẳngSau một loạt các cuộc khảo sát, thu thập thông tin, ý kiến của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá khá khả quan về thực phẩm Việt Nam. Hầu hết người được hỏi đều cho rằng thực phẩm Việt Nam khác biệt so với các quốc gia khác, nhất là ở hương vị độc đáo, mang nét thiên nhiên và khí hậu Việt Nam.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng trong mắt người tiêu dùng. Điều này thể hiện qua việc sản phẩm vẫn chú trọng nhiều vào số lượng hơn chất lượng, thường sử dụng phụ gia hay chất bảo quản nhân tạo, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ…
Vì vậy, để xây dựng thương hiệu chung cho toàn ngành thực phẩm thì trước tiên phải lấp đầy những lỗ hổng về tiêu chuẩn, chất lượng.
Theo các chuyên gia thương mại, ngay cuối năm 2014, Cục Xúc tiến thương mại đã chính thức khởi động Chương trình Xây dựng Thương hiệu Quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam với mục tiêu định vị thương hiệu chung cho ngành thực phẩm. Song, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu đi các nước lại không được biết đến là thương hiệu của Việt Nam. Các nông sản, thủy sản khác chủ yếu dùng thương hiệu nhà bán lẻ nước ngoài.
Chẳng hạn như Hàn Quốc đang nhập tới 90% cà phê của Việt Nam, nhưng hầu hết người tiêu dùng nước này lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Còn với sản phẩm thực phẩm chế biến công nghiệp, chỉ có một vài thương hiệu của doanh nghiệp được biết đến như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook…
Bên cạnh đó, nông sản của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại về thị trường, lệ thuộc vào thương lái nước ngoài. Gần đây tuy có xuất khẩu một số trái cây vào thị trường các nước phát triển, nhưng nhỏ lẻ, không có sự nhận biết rõ ràng về sản phẩm hoặc thương hiệu.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho biết, trong các khâu của chuỗi sản xuất, từ giống, chất lượng, tiêu chuẩn hóa, an toàn vệ sinh, kỹ thuật chế biến, bán hàng... khâu nào cũng có những vấn đề. Thậm chí, doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhưng không biết bán hàng, không có thị trường vững chắc, dẫn đến sản xuất không phát triển.
Ông Võ Hùng Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn để xây dựng thành công thương hiệu quốc gia là vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế bởi các doanh nghiệp thường cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá bán, không chú trọng xây dựng những chiến lược dài hạn cũng như thương hiệu chung.
Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thiếu liên kết, hợp tác, đồng thời chưa có một nền tảng chuẩn mực chung, khiến ngành thực phẩm khó có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ, ngành chè Việt Nam khá may mắn khi được tạo nhiều điều kiện xây dựng thương hiệu chè Việt thông qua các Chương trình quốc gia. Theo đó, ngành chè xác định và cũng vạch ra nhiều mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu về chất lượng tối thiểu cho sản phẩm chè, từng bước đưa sản phẩm chè Việt ra quốc tế.
Tuy nhiên, việc quảng bá thương hiệu cần rất nhiều kinh phí, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa xác định được bước đi đúng đắn hoặc không đủ khả năng thực hiện quảng bá trong khoảng thời gian dài. Bởi vậy, để xây dựng thương hiệu cho ngành chè nói riêng và ngành thực phẩm Việt Nam nói chung cần rất nhiều sự nỗ lực không chỉ ở Chính phủ mà còn ở chính doanh nghiệp.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng nhận xét, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn về nông sản, nhưng việc tạo ra giá trị tăng của nhiều mặt hàng còn thấp. Trong khi đó, thương hiệu không chỉ là việc đưa ra một cái tên cho sản phẩm, mà cần tổ chức lại hệ thống logistic và kiểm soát được chất lượng của cả chuỗi sản phẩm.
Định vị thương hiệuDưới cái nhìn của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam thực sự có tiềm năng để phát triển và khẳng định thương hiệu riêng cho ngành thực phẩm. Tuy nhiên, làm thế nào để định vị Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp lớn, để người tiêu dùng thế giới biết đến sản phẩm Việt Nam, là thách thức không nhỏ.
Theo ông Koos van Eyk - Giám đốc quốc gia Dự án hỗ trợ Việt Nam - CBI (Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan), Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm để có thể tạo nên một kiến trúc thương hiệu chặt chẽ, có tác động chiến lược, đem đến sự phát triển cho từng dòng sản phẩm và thúc đẩy tính hợp tác giữa các doanh nghiệp.