Đặc biệt, trong mối liên kết vùng, công nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có, đảm bảo góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo chiều sâu.
* Định hướng công nghiệp công nghệ cao
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình giai đoạn 2020-2025 đạt 7,5-8%/năm, TP Hồ Chí Minh xây dựng hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác. Qua đó, nâng cao tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
PGS, TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, vai trò ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện qua những chỉ tiêu định lượng, mà còn thông qua tầm ảnh hưởng đối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam được ban hành năm 2019, trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có: 11 ngành cấp 2; 42 ngành cấp 3; 84 ngành cấp 4 và 107 ngành cấp 5. Do đó, việc ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu cũng rất rộng và dàn trải, nguồn lực khó có thể đáp ứng.
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh không nên tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước đây hoặc những phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất công nghiệp... mà nên phát triển công nghiệp dựa theo 4 trụ cột chính gồm: công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng - ông Trần Hoàng Ngân phân tích.
Những năm gần đây, mặc dù công nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực cải hiện nhất định về đầu tư đổi mới công nghệ nhưng cho đến nay chủ yếu vẫn thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu; sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động mạnh mẽ đến quá trình sắp xếp lại nguồn lực và quá trình tái cơ cấu chuỗi ngành nghề trên phạm vi toàn cầu; trong đó có Việt Nam.
“TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước cần có chính sách mạnh mẽ trong thúc đẩy chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng cao; tham gia toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp, phân phối và dịch vụ hậu mãi thông qua các thiết chế như Trung tâm hay Viện công nghiệp công nghệ. Khi những ưu đãi của chính phủ hết thời hạn, nếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ trong nước không kịp phát triển để cắt giảm giá thành sản phẩm thì các Tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia khác hấp dẫn hơn. Như vậy sẽ tác động không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và đến công nghiệp trong nước - PGS. TS. Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa PHồ Chí Minh kiến nghị.
* Giải pháp hỗ trợ nhóm sản phẩm chủ lực
TP Hồ Chí Minh đã ban hành các giải pháp hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng giai đoạn 2018 - 2020; nghiên cứu rà soát, bổ sung danh mục nhóm được hỗ trợ lãi vay vào phụ lục ban hành kèm theo quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; thống kê và đưa ra giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh đã tiến hành chọn mẫu 420 doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động, giá trị sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng từ 75% doanh thu theo từng ngành trở lên hoặc có tiềm năng sản xuất sản phẩm thuộc nhóm ngành chủ lực tương lai thuộc 7 nhóm sản phẩm chủ lực và 2 nhóm sản phẩm tiềm năng...
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm việc với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để tìm hiểu nhu cầu của họ nhằm hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm này. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, cung cấp thông tin hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu đầu tư…
Thị trường đang vận hành theo quy luật nền tảng sản xuất và xu hướng toàn cầu. Chỉ những sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chí mới có năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu. Thế nhưng, những sản phẩm này tại Việt Nam có quy mô nhỏ, chưa đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. TP Hồ Chí Minh xuất khẩu 1.014 sản phẩm nhưng chỉ có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) và chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Bên cạnh đó, hầu hết nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu của thành phố đang mất dần lợi thế so sánh bộc lộ (108/186 sản phẩm có RCA giảm).
TS. Đinh Công Khải - Viện trưởng Viện chính sách công, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay, trong ngắn hạn, TP Hồ Chí Minh vẫn phải duy trì nhóm ngành hiện hữu có quy mô xuất khẩu lớn nhưng phải tích cực chuẩn bị nền tảng nâng cấp công nghiệp và dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu trong dài hạn. Thành phố cần nhận dạng lại bức tranh chung về xuất khẩu; trong đó đánh giá lại một cách hệ thống, khoa học nền tảng cho xuất khẩu và sự gắn kết với các vùng lân cận. Qua đó, định vị nhóm ngành, sản phẩm mà TP Hồ Chí Minh cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, chiến lược của thành phố là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, sản phẩm vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số).
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao; tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu.
Bài cuối: Hình thành chuỗi cung ứng hiện đại liên vùng