Da giày tận dụng tốt lợi thế FTA
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 6/2021, xuất khẩu sản phẩm da giày Việt Nam đạt gần 2,33 tỷ USD, tăng 19,5% so với tháng 6 năm 2020, trong đó gồm 2 tỷ USD giày dép và 325 triệu USD túi xách các loại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu da giày Việt Nam đạt 12,1 tỷ USD (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Với sự phục hồi của thị trường, nhất là tại Mỹ, EU và do suy giảm sản lượng tại các nước châu Á khác, dự kiến cả năm 2021 ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15 - 16% so với năm 2020.
Bộ Công Thương đánh giá, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp da giày đã chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành trong thời gian qua. Với EVFTA, da giày là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay các thị trường xuất khẩu truyền thống của da giày Việt Nam đã tiến hành tiêm vaccine, bước đầu đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi khiến đơn hàng xuất khẩu khá khả quan. Tính đến hết quý 2/2021, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành như Mỹ, EU… đã tăng khoảng 10%.
Bà Xuân cũng đánh giá, xuất khẩu da giày nửa đầu năm 2021 tăng trưởng được còn do da giày Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Điển hình như giá nhân công của Trung Quốc tăng cao khiến khách hàng di chuyển một lượng đơn hàng tương đối đáng kể sang Việt Nam. “Với Myanmar, dù có giá nhân công cạnh tranh, có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhưng do bất ổn chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đơn hàng. Campuchia cũng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, buộc nhà nhập khẩu phải chuyển đơn hàng. Trong khi đó, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh là điểm đến tin cậy của nhà nhập khẩu”, bà Xuân cho hay
Dự kiến xuất khẩu 23 tỷ USD cho cả năm
Đại diện Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp da giày lớn đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý III và quý IV. Ngoài ra, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại là cơ hội để doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự phục hồi của thị trường, nhất là tại Mỹ, EU và do suy giảm sản lượng tại các nước châu Á khác, dự kiến cả năm 2021, ngành da giày Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 15 - 16% so với năm 2020.
Tuy nhiên, doanh nghiệp da giày cũng đang gặp phải những khó khăn. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) lo ngại, hiện nay, dịch COVID-19 bùng phát tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn như Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động do đơn hàng tăng, trong khi khó tuyển dụng thêm lao động và khó khăn trong việc đi lại giữa các địa phương vì các lệnh giãn cách xã hội.
“Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5 - 10 lần, chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây khó khăn cho xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp lo ngại chi phí còn tăng trong các tháng cuối năm do Cảng Hải Phòng áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển với các mức cao”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đình trệ, Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế trực tuyến, phổ biến cho các doanh nghiệp về cách tiếp cận các ưu đãi trong các hiệp định thương mại…
Cùng với đó, đại diện Lefaso cũng phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng khác tham vấn chính sách, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan nhà nước đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu...
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước có giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm giảm chi phí logistics và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển và tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất và xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ sớm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung để duy trì lực lượng sản xuất”, bà Xuân đề xuất.