Tăng trưởng vượt bậc
Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch COVID-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
"Thêm vào đó, thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ 4, thứ 3 thế giới về lĩnh vực này", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Sự gia tăng đơn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu là niềm vui trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì sự gia tăng đơn hàng trong diễn biến dịch bệnh sẽ khiến khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế, bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm lại phải thực hiện khắt khe theo yêu cầu của khách hàng; trong đó, truy xuất nguồn gốc từng bộ phận sản phẩm càng được thực hiện chặt chẽ, tránh một chi tiết sản phẩm làm ách tắc cả lô hàng xuất khẩu.
Để kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ chế biến, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp lý là Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp, khai báo bổ sung các loại chứng từ như: giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, giấy chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng, giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ, giấy phép được phép xuất khẩu, chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin quốc gia nơi khai thác, không theo hướng quốc gia xuất khẩu…
Nhiều đơn hàng trong thời điểm nửa cuối năm
Việt Nam đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ với thị trường trải rộng khắp 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, ngành gỗ Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của khách hàng, đối tác toàn cầu. Chính vì vậy, bằng sự nỗ lực, sáng tạo trong quá trình sản xuất sản phẩm, dù thế giới phải ứng phó diễn biến dịch bệnh COVID-19, các nhà nhập khẩu vẫn lựa chọn Việt Nam là nơi đặt hàng uy tín.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products - TP Hồ Chí Minh) chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnis chia sẻ, những khách hàng của Viet Products là nhà nhập khẩu ở thị trường Mỹ và các nước châu Âu, đã đặt nhiều đơn hàng trở lại so với năm 2019, thời điểm chưa diễn ra dịch do COVID-19. Không chỉ thế, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019. Những khách hàng này là khách hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, công ty Việt Products cũng đã chuẩn bị lực lượng lao động đủ để thực hiện các đơn hàng này cho đến cuối năm 2021.
Không những vậy, nhiều doanh nghiệp và chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đã nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài cho đến cuối năm 2021. Đây là bước tăng trưởng khá tốt của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh cho biết.
Cùng với các doanh nghiệp khác đồng loạt nhận được nhiều đơn hàng đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An cũng không nằm ngoài “tầm ngắm” của các nhà nhập khẩu đồ gỗ. Theo bà Trần Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, vào thời điểm này năm ngoái, nếu như các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhất là về đơn hàng, thì năm nay tình hình khăc hẳn.
"Từ đầu năm đến nay, các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng vượt trội hơn năm ngoái khoảng 30%. Khi nhận đơn hàng nhiều hơn so với dự tính, công ty đã sắp xếp để công nhân làm tăng ca, làm việc cà ngày thứ 7 và chủ nhật mới có thể đáp ứng đơn hàng kịp thời. Trong thời điểm này, dù tăng ca, người lao động trong xưởng sản xuất vẫn thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, mỗi công nhân giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, làm việc riêng lẻ, tránh tiếp xúc lẫn nhau trong quá trình làm việc.", bà Trần Thị Xuyến cho biết.
Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu, chính vì dịch bệnh diễn ra, các quốc gia thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn. Chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường. Đồ gỗ Việt Nam lại được các doanh nghiệp tuân thủ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu minh bạch nên được khách hàng lựa chọn, bà Xuyến chia sẻ thêm.