“Chiến lược phát triển của lúa gạo Việt Nam, đặc biệt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là không nên tiếp tục đi theo hướng tăng khối lượng gạo xuất khẩu (XK) mà cần tập trung vào chất lượng để nâng cao giá bán, cũng như cơ cấu lại chuỗi tiêu thụ nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân…”, GS TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kinh tế Nông nghiệp miền Nam nói.
Ưu tiên gạo chất lượng cao
Tại hội thảo về rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức mới đây tại Tiền Giang, theo các đại biểu, cần nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị mới mong thay đổi căn cơ, đem lại cuộc sống sung túc cho nhà nông. Riêng với ngành hàng lúa gạo, do đô thị hóa, biến đổi khí hậu… nên thời gian tới, dự báo sản lượng sẽ khó tăng thêm, trong khi yêu cầu về an ninh lương thực, ổn định nguồn cung trong nước ngày càng quan trọng. “Vì vậy, chúng ta buộc phải thay đổi chiến lược trong XK gạo khi chú trọng xây dựng cho được thương hiệu ở những phân khúc chất lượng cao nhằm đem lại kết quả bán ra ít nhưng thu về nhiều lợi nhuận”, ông Bửu nói thêm.
Thay đổi chiến lược XK, cũng như tư duy sản xuất đem lại chất lượng cho hạt gạo là giải pháp căn cơ nâng cao giá trị “hạt ngọc” Việt Nam. |
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang, cho rằng dù XK khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội ở nhiều thị trường mới, đặc biệt ở phân khúc gạo chất lượng cao. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát được dư lượng hóa chất, đảm bảo những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm thì thị trường tiềm năng Nhật Bản sẽ cho một “đầu ra” bền vững, giá trị cao. Thực tế, sau thời gian bị dừng những giao dịch nhập khẩu gạo, hiện Nhật đã bắt đầu khảo sát, giám định lại gạo và nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Ở các khu vực khác như Hồng Công (Trung Quốc)… người dân sẵn sàng trả tiền với giá cao hơn rất nhiều so với các loại gạo thường để được sử dụng gạo với những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng như: thuần khiết không pha tạp, sản xuất an toàn…
Nhìn sang “đối thủ” Thái Lan, hiện diện tích đất lúa của nước bạn có hơn 10 triệu ha, cao hơn 2 lần so với Việt Nam. Do đó, việc chỉ “chăm bẵm” chạy theo số lượng không phải là giải pháp căn cơ, đáng biểu dương mà điều cần quan tâm là những vấn đề thiết thực hơn trong việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng giá trị cho hạt gạo. “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, để gạo Việt Nam có thể tiếp tục đạt kim ngạch XK cao, cần chú ý nâng cao chất lượng. Theo đó, chúng ta phải dần chuyển hướng sang thị trường gạo cao cấp phục vụ nhu cầu của khách hàng khó tính, từng bước giảm được tình trạng XK phụ thuộc nhiều vào gạo cấp thấp bị bạn hàng ép giá như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Tiến nhận định.
Nỗ lực tăng tốc
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đơn vị này đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng chi tiết hơn về sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm và có giải pháp hạn chế gieo sạ lúa phẩm cấp thấp. Bên cạnh đó, để nâng cao được giá trị, chuỗi sản xuất theo hướng liên kết phải bắt đầu ngay từ giống, công tác chăm sóc, bảo quản, tạm trữ… với sự phân công, phân nhiệm cụ thể. Theo đó, nhà khoa học sẽ đưa ra quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, huấn luyện nhà nông làm theo quy trình VietGap, Global Gap…, giúp gạo đạt chất lượng tốt; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra… Riêng Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy những chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận, quảng bá thương hiệu…
Thực trạng sản xuất lúa gạo của Việt Nam hiện quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa. Chính điều này đang dẫn đến nhiều khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp chế biến hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng liên kết với hàng chục hộ nông dân có quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau phục vụ cho hoạt động của mình… “Sản xuất như hiện nay của đại bộ phận nhà nông đang làm hạn chế khả năng áp dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật nên khó có được chất lượng sản phẩm đồng đều, cũng như chất lượng như mong muốn. Trong bối cảnh đó, các mô hình sản xuất hiện đại với mục tiêu rõ ràng nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng đang là sự kỳ vọng của nhiều người trong cuộc”, ông Bửu ưu tư.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa