Xuất khẩu tăng trưởng ngay tháng đầu ra quân

Mặc dù mới tháng đầu ra quân nhưng ngành công thương đã thu được nhiều kết quả khả quan. Mục tiêu hướng tới chinh phục đỉnh cao tăng trưởng từ 7-8% năm 2019 đang được ngành công thương và doanh nghiệp cả nước nỗ lực thực hiện ngay từ những tháng đầu tiên của năm.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu tại nhà máy của Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tăng trưởng khả quan

Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2019 đạt 40,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 12/2018 và tăng 0,89% so với tháng 1/2018.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12/2018 nhưng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với cùng kỳ bao gồm điện thoại và linh kiện đạt 2,85 tỷ USD, giảm 27,5%.  Đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tháng 1 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, một số mặt hàng cũng giảm là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD, giảm 5%; máy ảnh, máy quay phim đạt 450 triệu USD, giảm 9,1%.

Ngược lại, hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 800 triệu USD, tăng 4,9%; thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng 5,2%.

Đáng lưu ý, dầu thô là mặt hàng duy nhất trong nhóm có sản lượng xuất khẩu tăng với mức tăng là 28,6% so với cùng kỳ, tuy nhiên do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch vẫn giảm 12,4%.

Theo ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các mặt hàng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt và may mặc; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng...

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, so với tháng 12 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, một số thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn được giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải cho biết: Giai đoạn cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam diễn ra khá sôi động nhằm mục đích phục vụ hàng hóa dịp Tết.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng triển khai các hoạt động nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu sau tết.

Chính vì thế, kim ngạch nhập khẩu tháng 1đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Trong tháng 1 này, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy giá các nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới không thấp, nhưng các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết nên đã góp phần làm kim ngạch nhập khẩu tháng 1 cao hơn so với cùng kỳ.

Giải quyết "điểm nghẽn"

Nhằm hướng tới với mục tiêu chinh phục đỉnh cao tăng trưởng từ 7-8%, ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định: Ngành công thương sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn và hạn chế trong phát triển.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng lưu ý, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các FTA song phương.

Ngoài ra, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan cũng như các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) thúc đẩy và triển khai các nội dung ưu tiên của năm APEC 2019 nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng…

Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch.

Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Ông Dương Duy Hưng cũng cho rằng: Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa vào các thị trường xuất khẩu lớn qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Ngoài ra, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng cần một chiến lược phát triển lâu dài.

Năm 2019 mở ra cũng là lúc thời gian thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã cận kề. Vì thế, để hưởng các lợi thế từ hiệp định này, nhiều doanh nghiệp đang gấp rút tìm cách đáp ứng các điều kiện đi kèm là chất lượng, xuất xứ hàng hóa, địa điểm sản xuất, yếu tố lao động, môi trường.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài với ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp Việt cần phải nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của CPTPP để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh, khai thác được các cơ hội mà CPTPP mang lại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tới đây Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng đó, tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống cũng như tại các thị trường là đối tác của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để xây dựng kế hoạch cụ thể và nắm chắc thành công trong xuất khẩu.

Uyên Hương (TTXVN)
Tháng 1, xuất khẩu lâm sản tăng 11%
Tháng 1, xuất khẩu lâm sản tăng 11%

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 1/2019 ước đạt 903 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 852 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2018; lâm sản ngoài gỗ đạt 51 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN