Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là năm 2022. Đồng thời, đề nghị Đảng ủy, lãnh đạo Cục và các tổ chức đoàn thể của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Bộ Giao thông Vận tải, Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải.
Chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động, nghiêm túc trong rà soát, xây dựng, trình Bộ Giao thông Vận tải các văn bản quy phạm pháp luật được giao đảm bảo chất lượng, tiến độ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa.
Trong đó, một số văn bản cụ thể như: dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; sửa đổi Thông tư 248/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính (quy định về phí, lệ phí tại cảng, bến thủy…); dự thảo Nghi định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng được yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong chậm thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa năm 2022, không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, giải ngân không hết nguồn vốn được cấp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, đối với quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường quán triệt, có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát nội quy, quy chế nội bộ, chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ của lực lượng cảng vụ viên.
"Yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động thực hiện nhiệm vụ được giao của các cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Cục; tổng hợp báo cáo Bộ kết quả thực hiện trong tháng 3/2023;
Giao Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham mưu cho Bộ triển khai các giải pháp điện tử hóa việc thực hiện các thủ tục cấp phép cho phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng, bến thủy nội địa để đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân, nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định", theo thông báo kết luận.
Theo chức năng, nhiệm vụ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có 4 Cảng vụ trực thuộc, gồm Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II (quản lý cảng, bến trên đường thủy quốc gia khu vực phía Bắc, một phần miền Trung), III và IV (khu vực phía Nam).
Các Cảng vụ khu vực là các cảng, bến thủy, khu neo đậu thuộc tuyến đường thủy quốc gia thuộc phạm vi được giao; trực tiếp quản lý là các Đại diện cảng vụ đường thủy trực thuộc Cảng vụ khu vực.
Tại thông báo kết luận trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sớm tổ chức, hoàn thành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt tại Quyết định số 1555/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2022.
Trên có sở đó, kịp thời kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước…