Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton vận động tranh cử tại San Francisco, California ngày 26/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 26/5, tỷ phú Mỹ Donald Trump đã có đủ số phiếu đại biểu cần thiết để giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, trở thành ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ông sẽ là ứng cử viên đầy sức cạnh tranh, báo hiệu một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng gay cấn với ứng cử viên của đảng Dân chủ mà nhiều khả năng là bà Hillary Clinton. Theo kết quả của cuộc khảo sát gần đây, vị trí dẫn đầu của bà Hillary dường như trong tình trạng bấp bênh và có thể bị nhà tỷ phú vạ miệng Trump soán ngôi bất kì lúc nào. Nếu như so với thời kì đầu của vòng bầu cử sơ bộ, không ai nghĩ rằng ông Trump sẽ là đối thủ đáng gờm của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, nếu như sắp tới bà Hillary phạm phải 1 trong 4 sai lầm dưới đây, đẩy những người ủng hộ ra xa, thất bại trong việc kết nối tập hợp sức mạnh của những lá phiếu khác thì chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua vào vị trí đứng đầu Nhà Trắng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Không coi trọng người Mỹ Latinh
Một trong những điều mà nhóm quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary luôn đắc ý đó là sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng người Mỹ Latinh. Theo tờ New York Times, kể từ khi chính thức gia nhập cuộc đua vào Nhà Trắng bằng tuyên bố hùng hồn chống lại người nhập cư Mexico, ông trùm truyền thông Trump đã trở thành một kẻ “đáng sợ” kiểu nhân vật phản diện đối với người Mỹ Latinh nhập cư. Có một sự thực không thể thay đổi là cộng đồng này không hề thích ông Trump. Nếu như những người dân Mỹ Latinh hợp pháp trở thành công dân, nghiễm nhiên số phiếu của họ sẽ được tính, và phần lớn đều cho rằng sẽ bỏ phiếu chống lại nhà tỷ phú 70 tuổi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Tuy nhiên nếu như ông Trump có thể thay đổi chính sách tiếp cận, tạo được tiếng nói chung với cộng đồng thiểu số này thì không có gì đảm bảo cho chiến thắng cuối cùng của bà Hillary. Tất cả những gì mà đội ngũ cố vấn tranh cử của ông Trump làm là phải quay lại học hỏi cuộc chạy đua năm 2008. Trong giai đoạn đó, bà Hillary là đối thủ của Tổng thống Obama giành vé làm người đại diện cho đảng Dân chủ. Hiển nhiên người Mỹ Latinh quý ông Obama bao nhiêu thì ghét bà Hillary bấy nhiêu, điều này có thể là một lợi thế mà ông Trump có thể tận dụng.
Xa lánh giới trẻThế hệ thiên niên kỉ (tên gọi chung cho thế hệ những người sinh năm từ 1980 đến 2000) là một bộ phận công dân quan trọng góp phần tạo nên chiến thắng cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên con số công dân trẻ đi bầu cử ngày càng thấp xuống. Trong năm 2012, số người từ 18 đến 29 tuổi đi bỏ phiếu đã giảm xuống 1,8 triệu người so với lần tổng tuyển cử trước đó. Dường như số lượng khổng lồ thanh niên đi bỏ phiếu trong năm 2008 chỉ là tạm thời. Năm 2016, bà Clinton đã có một vài bài phát biểu tại các trường đại học lớn nước Mỹ, thu hút được một lượng sinh viên trẻ ủng hộ. Bên cạnh đó, nếu như bà giành tấm vé đại diện Đảng Dân chủ bước vào cuộc đua cuối cùng trong tháng 11 tới, thì rất có thể bộ phận người trẻ ủng hộ đối thủ cùng đảng là ông Banier Sanders sẽ quay sang đứng về phía bà. Tuy nhiên câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: “Vậy số người trẻ thực sự đi bỏ phiếu cho bà là bao nhiêu?”. Hiện phần lớn người hâm mộ trung thành với bà Hillary là những phụ nữ trung tuổi. Điều cốt lõi ở đây để bà Hillay có thể nắm chắc phần thắng trong tay là đội vận động tranh cử của bà Hllary cần phải huy động nỗ lực lớn để khiến những người trẻ lộ diện chính tay đi bỏ phiếu bầu.
Ứng cử viên Donald Trump liệu có thể giành chiến thắng cuối cùng? Ảnh: AFP/TTXVN |
Xuất hiện ứng viên ôn hòa mới
Một trong những chiến lược giành thắng lợi cuối cùng là bà Hillary phải biến "những người bỏ phiếu đỏ” thành phiếu xanh. Tuy nhiên, đối với người thuộc đảng Cộng hòa, khi họ không bầu ông Trump không có nghĩa là họ bắt buộc phải lựa chọn bà Hillary. Thống đốc bang Massachusetts Bill Weld – thuộc đảng Cộng hòa - một người luôn ghét cay ghét đắng ông Trump nhưng lại được rất nhiều người đảng Cộng hòa quý mến, đặc biệt là phía vùng đông bắc. Trong năm 2008 ông ra mặt tài trợ và ủng hộ cho Tổng thống Obama. Tuy nhiên trong năm nay Weld không ủng hộ bà Clinton. Ông đã quyết định hỗ trợ Gary Johnson – một ứng viên đảng Tự do tiềm năng. Thậm chí Thống đốc bang Ohio John Kasich cũng quyết định gia nhập "biệt đội" Weld-Johnson. Điều này dẫn đến tình trạng những người đứng đầu tại đảng Cộng hòa sẽ có xu hướng chọn giữa ông Trump và ông Johnson, thay vì bà Hillary.
Mù tịt về thương mại
Richard Trumka - Chủ tịch Công đoàn Công nhân mỏ than Mỹ AFL-CIO và Mary Kay Henry – Chủ tịch nghiệp đoàn Lao động đều bày tỏ sự quan tâm tới những đối sách kinh tế thương mại của tỷ phú Trump. Trong một tuyên bố, ông Trumka cho biết: “Các thành viên của chúng tôi đều đang xem xét thông điệp của ngài ấy. Ông Trump rất tinh ý khi đánh mạnh vào tâm lý bộ phận công nhân đang tức giận”. Thực tế những người bỏ phiếu thuộc công đoàn phần lớn đồng ý với ý kiến của ông Trump về những thỏa thuận thương mại tự do đã cướp đi việc làm của họ. Trong khi đó, lịch sử chính sách về thương mại của nữ cựu Ngoại trưởng luôn được đánh giá là thận trọng và mang tính chính trị. Bà Hillary đã có khoảng thời gian khó khăn vấp phải chỉ trích sau khi hết lòng lên tiếng ủng hộ Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ do chồng bà khởi xướng và sau đó gọi đấy là một sai lầm. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian làm Nghị sĩ, bà cũng bỏ phiếu ủng hộ phần lớn cho các thỏa thuận thương mại theo hướng thiên vị hay trong các bài phát biểu vận động bà không thể hiện được chính kiến thuyết phục về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính những yếu tố này có thể gây bất lợi đối với nữ ứng viên đảng Dân chủ khi người dân hoài nghi về năng lực quản lí kinh tế của bà.