Châu Âu có thể thất bại trong việc tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Ukraine, nhưng kế hoạch phát triển đường ống dẫn khí tới Azerbaijan có thể sẽ thay đổi tình thế.Trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ thất bại của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc theo đuổi một thỏa thuận hợp tác với Ukraine, vào tuần này, các nhà lãnh đạo EU đã ký một thỏa thuận với Azerbaijan để xây dựng một đường ống dẫn cho nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan sang châu Âu.
Kế hoạch này dự kiến sẽ dẫn đến việc đổ hàng tỷ USD đầu tư vào khu vực miền nam châu Âu và tạo ra khoảng 30.000 việc làm mới tại các quốc gia có đường ống trên đi qua: Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, Albania và Italy.
Thỏa thuận trên là tin tuyệt vời đối với EU, mở ra nguồn cung cấp khí đối chủ yếu mới đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Shah Deniz là một dự án lớn với sức chứa lên tới hơn 12 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên, tương đương với gần hai năm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Nó cũng có thể cung cấp lên đến 100.000 thùng khí ngưng tụ/ngày và giúp cho Azerbaijan có thể tăng số lượng xuất khẩu lên tới gần 1 triệu thùng dầu/ngày.
Chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Shah Deniz là một con số khổng lồ, khoảng 40 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những dự án khí đốt đắt đỏ nhất trên thế giới và là một kế hoạch đầu tư lớn nhất của EU vào Hy Lạp và các nước khu vực phía nam châu Âu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro. Nó cũng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm mới, điều có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với EU trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, nó cũng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga đối với một số nước như Bulgaria và Hy Lạp. Điều này đồng nghĩa với việc Nga không còn có thể cắt nguồn cung năng lượng nhiệt đối với khu vực Đông Âu và vùng Kavkaz một cách tùy thích, đồng thời chấm dứt tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng của EU trong thời kỳ nhu cầu sử dụng khí đốt ngày càng cao như hiện nay.
Nguồn cung khí đốt mới này cũng sẽ giúp châu Âu giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí tại khu vực, trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng cao thời gian gần đây, khiến EU phải tận dụng nguồn than đá rẻ tiền của Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những đóng góp quan trọng nhất của dự án Shah Deniz là nó sẽ kết nối cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt của hầu hết các nước ở nam Âu.
Trong hơn một thập kỷ, EU đã nói về tầm quan trọng của vấn đề nêu trên nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng lại để nhiệm vụ này cho các công ty tư nhân thực hiện trong khi họ không đủ nguồn lực cũng như khó khăn trong các mặt khác. Do đó, dự án mới này là cơ hội để Liên minh châu Âu đầu tư đúng chỗ: Từ Italy đến Hy Lạp đến Bulgaria và xa hơn nữa…, khởi đầu một thị trường khí tập trung và an toàn hơn.
Tuy là cơ hội tuyệt vời đối với EU, nhưng dự án trên cũng còn một số thách thức. Thứ nhất, mặc dù Moscow đã không công khai phản đối việc xây dựng các tuyến đường xuất khẩu khí đốt Shah Deniz, nhưng nước này cũng có thể không ủng hộ hoặc gián tiếp phản đối. Thứ hai, Iran cũng có mục tiêu riêng của mình đối với Azerbaijan, nước có chung biên giới và tôn giáo. Trong khi đó, Mỹ, một người bảo lãnh an ninh tin cậy trong khu vực, hiện nay quá tập trung vào Iran mà “lờ đi” các nơi khác. Cụ thể, Washington đã không gửi một đại diện cấp cao nào đến dự lễ ký kết dự án Shah Deniz tại Baku.
Công Thuận (Theo ForeignAffairs)