Làn sóng cải cách mới ở Trung Quốc đã được mở ra, nhưng để hiện thực hóa các biện pháp cải cách, Trung Quốc cần phải vượt qua trở ngại về hình thái ý thức, trở ngại của tập đoàn đã đạt được lợi ích cũng như những khó khăn thực tế do thể chế cũ gây ra.Ông Ngô Kính Liên tại một hội nghị. |
Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa 18 đã tạo dấu mốc thúc đẩy công cuộc cải cách toàn diện, làm dấy lên kỳ vọng vào kết quả mà làn sóng cải cách mở cửa lần thứ ba ở Trung Quốc sẽ mang lại.
Cùng với việc quyết định thành lập “Tiểu tổ Lãnh đạo công tác thúc đẩy cải cách toàn diện”, dư luận hi vọng những biện pháp cải cách mà Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 đưa ra sẽ được thực thi một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu viên Ngô Kính Liễn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, công cuộc cải cách của Trung Quốc phải đối mặt với ba trở ngại và phải có dũng khí cũng như trí tuệ chính trị lớn hơn để giải quyết.
Phát biểu tại một diễn đàn tài chính kinh tế tổ chức ở Bắc Kinh hôm 11/12, ông Ngô Kính Liên cho rằng trở ngại đầu tiên là về hình thái ý thức. Mô hình Liên Xô và tư tưởng của thể chế Liên Xô có ảnh hưởng rất sâu rộng trong vài thế hệ người Trung Quốc. Tuy rằng kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa tới nay, trở ngại này đã giảm xuống, nhưng vẫn tồn tại.
Trở ngại thứ hai đối với công cuộc cải cách của Trung Quốc đến từ tập đoàn đã đạt được lợi ích hay là những kẻ lợi dụng quyền lực.
Theo ông Ngô Kính Liên, do thể chế của Trung Quốc tồn tại sự hạn chế, cho nên, lực lượng tìm kiếm lợi ích từ sự can dự của chính quyền đối với các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và tư nhân rất đông.
Trong mấy năm qua, lực lượng này đã lớn mạnh, thúc đẩy cải cách thị trường hóa và cải cách pháp chế hóa đều đụng chạm tới lợi ích của họ, ví dụ, cải cách chế độ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ đụng chạm tới một số người hưởng lợi từ việc xem xét niêm yết cổ phiếu trên thị trường.
Trở ngại thứ ba là khó khăn thực tế do thể chế cũ gây ra, ví dụ, trước đây, ngân hàng dựa vào chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay để sống, nếu tiến hành cải cách, lãi suất huy động sau này sẽ được nâng lên, (lợi nhuận) ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng và tác động cả tới các doanh nghiệp nhà nước vốn rất dễ có được tín dụng từ ngân hàng nhà nước.
Đó là khó khăn thực tế, mà theo ông Ngô Kính Liễn, khiến Trung Quốc không dám thúc đẩy cải cách với tốc độ cao.
Vân Khánh