“Khúc cua” đầy bất ngờ
Chiều ngày 21/7 (theo giờ bờ Đông nước Mỹ), Tổng thống Biden đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2024, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách “người thuyền trưởng” chèo lái con thuyền của đảng Dân chủ trong cuộc đua với ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuyên bố trên được ví như cú sốc lớn nhất trong một chiến dịch bầu cử tổng thống mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi là quan trọng nhất trong nhiều thế hệ. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, chưa có bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào được coi là cầm chắc tấm vé đại diện cho đảng lại rút lui khỏi cuộc đua ở thời điểm cận ngày bỏ phiếu đến như vậy. Trường hợp tương tự gần nhất là Tổng thống Lyndon Johnson vào tháng 3/19.
Ca ngợi những thành tựu của Tổng thống Biden, nhiều thành viên của đảng Dân chủ tán thành quyết định của ông Biden tiến cử bà Harris làm ứng cử viên của đảng Dân chủ để đối đầu với ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Phó Tổng thống Harris cũng ca ngợi Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định “mang tinh thần yêu nước”, đồng thời tuyên bố sẽ giành được đề cử của đảng Dân chủ và đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.
Theo nhận định của các nhà phân tích, quyết định trên là một thay đổi đầy bất ngờ đối với sự nghiệp chính trị kéo dài 50 năm qua của Tổng thống Biden - ông chủ thứ 46 tại Nhà Trắng. Điều này cho thấy Tổng thống Biden có thể đã phải nhượng bộ trước sức ép từ nội bộ đảng Dân chủ muốn ông từ bỏ cuộc đua sau màn tranh luận trực tiếp kém thuyết phục với ông Trump hôm 27/6. Tổng thống Biden cũng đã phải hứng chịu áp lực ngày càng lớn từ bên trong đảng Dân chủ với lập luận rằng ông Biden không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và sự xuất hiện của một ứng cử viên trẻ trung, năng động hơn sẽ khiến ông Trump mất đi lợi thế về tuổi tác và sức khoẻ trước ông Biden, điều mà ông Trump thường xuyên vin vào để chỉ ông Biden.
Với đảng Dân chủ, việc “thay ngựa giữa dòng” là điều cực chẳng đã, nhất là trong bối cảnh cuộc đua đã ở thời điểm quyết liệt song giới quan sát cho rằng nếu không quyết định nhanh chóng, đảng Dân chủ sẽ đối mặt với loạt nguy cơ hiện hữu - không chỉ có khả năng mất ghế Nhà Trắng, mà còn có thể mất cả đa số Hạ viện và Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11.
Bứt phá trên đường đua tổng thống
Ngay sau khi Tổng thống Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Harris thay ông gánh vác trọng trách này, lãnh đạo đảng Dân chủ ở các bang đã tiến hành hội nghị trực tuyến.
Sau vòng bỏ phiếu trực tuyến kéo dài 5 ngày, kết thúc vào đêm 5/8 theo giờ địa phương, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã chính thức giành được đề cử của Đảng Dân chủ trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện cho một đảng lớn tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Bà Harris được lãnh đạo đảng Dân chủ ở các bang đánh giá là “một người đã trải qua nhiều thử thách cam go và chứng minh được năng lực trong thực tiễn”.
Giới quan sát cho rằng bà Harris nắm giữ một số lợi thế rõ ràng khi nằm trong danh sách ứng cử viên chiến thắng vào năm 2020 và là người nhận được hàng triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024. Ngoài ra, bà đã vận động tranh cử trong nhiều tháng tại các bang dao động, là gương mặt đại diện cho nỗ lực thúc đẩy quyền phá thai của phụ nữ và điều quan trọng nhất, bà là ứng cử viên duy nhất có thể tiếp cận nguồn tài chính mà chiến dịch tranh cử của Biden - Harris đã tích lũy được.
Và trên thực tế, chỉ trong vòng 24 giờ, bà Harris đã tạo nên 2 kỳ tích lịch sử. Một mặt, bà đã quyên góp được 81 triệu USD tiền vận động cho chiến dịch của mình, mặt khác cũng đã nhanh chóng giành được số đại biểu ủng hộ vượt xa mức cần thiết theo quy định của đảng Dân chủ để có thể trở thành ứng cử viên chính thức. Đây là điều chưa từng có. Và chỉ trong vòng 2 tuần, số tiền bà Harris quyên góp đã đạt kỷ lục, vượt trên 300 triệu USD.
Chiến dịch của bà Harris và đảng Dân chủ thời điểm đó rất vui mừng trước những khởi đầu tích cực và tràn đầy hy vọng của ứng cử viên này. Bà Harris 59 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với ông Trump, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Bà cũng từng là công tố viên, tổng chưởng lý bang, đối lập với hình ảnh ông Trump đang vướng vào nhiều rắc rối pháp lý.
Ông Michael Tyler, giám đốc truyền thông trong ủy ban tranh cử của bà Harris, nhận định vào thời điểm đó: “Phó Tổng thống Harris thật sự đang tạo ra sức bật và nguồn năng lượng mới”.
Tờ Washington Post bình luận: “Số tiền và sự hào hứng của cử tri Dân chủ với bà Harris tăng đột biến đang định hình lại cuộc đua năm nay, đẩy Trump khỏi vị thế ung dung tự tại mà ông đã duy trì suốt vài tháng qua, đặc biệt là tại các bang chiến trường”.
Diễn biến bất ngờ từ phía đảng Dân chủ đã khiến đảng Cộng hòa phải điều chỉnh chiến dịch tranh cử. Ông Trump thừa nhận đội ngũ tranh cử của ông, vốn nhiều năm qua chỉ tập trung xây dựng các chiến lược đối đầu và đánh bại Tổng thống Biden, cần xem xét một số thay đổi mang tính chiến thuật để thích ứng với tình hình mới.
Trong khi đó, bà Harris đã khẩn trương triển khai chiến dịch tranh cử mới với một loạt nhiệm vụ - quy tụ sự ủng hộ của đảng Dân chủ, tranh thủ các nguồn lực, đưa ra thông điệp mới và vận động tranh cử ở các địa phương. Và bà nhanh chóng được các nhân vật chủ chốt của Dân chủ ủng hộ, tạo ra thế mạnh vận động cử tri của đảng ở các địa phương.
Trên thực tế, chỉ 2 ngày sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, bà Harris đã tiến hành ngay cuộc vận động đầu tiên ở bang Wiscosin - một trong những bang chiến trường rất quyết liệt. Đồng thời, bà cũng gấp rút lựa chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz là người liên danh tranh cử.
Bà Harris đã nhanh chóng định hình lại chiến lược và thông điệp tranh cử của mình, khác biệt so với ông Biden, để đối đầu với ông Trump. Phó tổng thống Harris cũng tuyên bố chiến dịch tranh cử của bà không chệch hướng nhiều khỏi các chủ đề và chính sách vốn được ông Biden nêu ra, chẳng hạn dân chủ, phòng chống bạo lực súng đạn và quyền phá thai.
Bà Harris đã dành cả năm qua để khôi phục hình ảnh của mình sau những sai lầm vào đầu nhiệm kỳ, khiến những người trong nhóm thân cận của bà đã nhận thấy một Phó Tổng thống tự tin hơn. Bà Harris đã thực hiện hơn 60 chuyến đi trong năm nay, lên tiếng về các vấn đề về chủng tộc, quyền phá thai và cuộc chiến ở Gaza.
Cuộc cạnh tranh “nghẹt thở” ở chặng về đích
Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử chính thức, các ứng cử viên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng đang nỗ lực tăng tốc trong chặng về đích.
Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy ông Trump và bà Harris vẫn bám đuổi rất quyết liệt. Theo kết quả khảo sát mới nhất của hãng tin CNN, bà Harris đang tạm dẫn trước ông Trump với khoảng cách là 48,6% và 47,9%. Nhưng tại 7 bang dao động quan trọng thực sự quyết định kết quả, cả hai ứng cử viên vẫn trong thế “bất phân thắng bại” và kết quả cuối cùng được dự báo sẽ rất sít sao.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris và ông Trump đều sử dụng những chiến lược riêng để thu hút các cử tri còn dao động. Đồng thời, hai bên tiếp tục tung ra các đòn công kích nhằm hạ uy tín của nhau.
Theo trang tin Axios, nhiều ứng viên hạ nghị sĩ của Đảng Dân chủ đã đẩy mạnh việc chi ngân sách cho các hoạt động vận động tranh cử với ý thức rằng họ sẽ là “chiến hào” duy nhất ngăn phe Cộng hòa giành “chiến thắng tuyệt đối” trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Ngược lại, phe Cộng hòa đang thể hiện “sự tự tin đáng kinh ngạc”, dù kết quả thăm dò dư luận cho thấy ưu thế vẫn đang nghiêng về bà Harris.
Khi chiến dịch bước vào giai đoạn nóng bỏng cuối cùng, các vấn đề bên lề và tranh chấp lắng xuống, cử tri bắt đầu tập trung vào các vấn đề chính. Theo các nhà phân tích, đó là các chủ đề về nền kinh tế và vấn đề di cư, cả hai đều có lợi cho ông Trump. Trong vấn đề di cư, ông Trump được coi là một chính trị gia có đường lối cứng rắn, người sẽ “lật ngược tình thế” trong vấn đề liên quan tới những người cư trú bất hợp pháp và từ đó lập lại trật tự cho hệ thống nhập cư. Có thể đó mới dừng lại ở lời hứa và chắc chắn còn lâu mới có được cuộc cải cách thực sự, nhưng ít nhất đây cũng là một điều gì đó mà cử tri Mỹ mong đợi.
Khoảng 46 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm, trong đó có Tổng thống Biden. Thách thức đối với hai ứng cử viên hiện nay là phải giành được mọi lá phiếu có thể từ những người còn chưa quyết định bầu cho ai, đặc biệt ở 7 bang chiến trường, bởi chỉ một nhóm cử tri nhỏ cũng có thể quyết định người chiến thắng trong cuộc đua được đánh giá là sít sao bậc nhất mọi thời đại.