Việc Liên bang Nga rút quân khỏi Syria không chỉ phản ánh những thay đổi trong chiến lược đối ngoại của Moskva mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của khu vực Trung Đông. Theo bình luận của Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), việc chính quyền Assad sụp đổ đã ảnh hưởng lớn về mặt địa chính trị cho Nga, không chỉ với vị thế của Nga tại Trung Đông mà còn đặt ra câu hỏi về tham vọng duy trì hình ảnh cường quốc toàn cầu của Moskva.
Nhật báo Sabah cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng coi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX", đã nỗ lực khôi phục ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế từ khi lên nắm quyền vào năm 1999. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nga đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột quân sự như ở Gruzia, Ukraine và Libya, với mục tiêu giành lại phạm vi ảnh hưởng đã mất.
Cuộc chiến Ukraine chiếm ưu thế
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi đáng kể phép tính địa chính trị của Nga. Với gần 2.000 km đường biên giới chung và cuộc xung đột kéo dài đang ảnh hưởng trực tiếp, Ukraine trở thành một mặt trận ưu tiên cao nhất với Điện Kremlin. Điều này khiến Moskva phải điều chỉnh các cam kết quân sự ở các chiến trường ngoại vi như Syria, nơi mà lợi ích không còn được xem là hàng đầu.
Việc Nga rút quân khỏi Syria có thể phản ánh một sự đánh đổi được tính toán. Một số nhà phân tích cho rằng Moskva có thể đã đạt được những đảm bảo ngầm hoặc nhượng bộ liên quan đến cuộc xung đột Ukraine để đổi lấy việc nhượng lại ảnh hưởng ở Syria. Ngoài ra, sự điều chỉnh này cho thấy vai trò trung tâm của Ukraine trong chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của Nga.
Syria từ lâu đã giữ vị trí quan trọng đối với Nga, không chỉ vì là đồng minh địa chính trị, mà còn vì các cơ sở quân sự quan trọng như Căn cứ Không quân Khmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus. Những căn cứ này giúp Nga thể hiện sức mạnh ở Địa Trung Hải và duy trì chỗ đứng tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền Assad đã làm phức tạp thêm vị thế của Nga tại Syria.
Mặc dù các hình ảnh từ thực địa cho thấy Nga đang rút quân khỏi tiền tuyến ở Syria, nhưng nước này vẫn duy trì sự hiện diện tại hai căn cứ chính. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy máy bay Antonov AN-124 đang hoạt động tại căn cứ Hmeimim, có thể đang trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Điện Kremlin tuyên bố rằng chính quyền mới của phe đối lập ở Syria đã đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự và phái bộ ngoại giao của Nga, nhưng khả năng tồn tại lâu dài của chúng vẫn chưa chắc chắn.
Các nhóm đối lập hiện đang kiểm soát nhiều khu vực ở Syria, bao gồm những nơi từng bị Nga không kích dữ dội trong cuộc xung đột ở Aleppo và Idlib. Điều này khiến cho việc duy trì sự hiện diện quân sự của Nga trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Nếu mất các căn cứ ở Syria, khả năng hoạt động hậu cần đến châu Phi sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Trong trường hợp Moskva không đạt được thỏa thuận với giới lãnh đạo mới ở Syria, khả năng duy trì sự hiện diện trên biển ở Địa Trung Hải sẽ bị hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, nếu Tartus bị mất, Nga có thể tìm cách đàm phán một thỏa thuận về một căn cứ hải quân mới ở miền Đông Libya.
Có thể nói, việc Nga rút khỏi Syria nhấn mạnh động lực thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này. Nó phản ánh sự điều chỉnh trong cách tiếp cận nhằm khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu có khả năng hoạt động trên nhiều mặt trận.
Trong khi Điện Kremlin tiếp tục khẳng định sự hiện diện tại các chiến trường chính, cuộc chiến ở Ukraine đã định hình lại các ưu tiên chiến lược của Nga. Những hàm ý từ sự thay đổi này không chỉ tác động đến vai trò của Nga ở Trung Đông mà còn đến những khát vọng rộng lớn hơn với tư cách là một cường quốc toàn cầu.