Ông Isaac đặc biệt ấn tượng trước sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chỉ 8 tháng sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành một đội quân toàn dân, phát động cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập dân tộc vào ngày 2/9/1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp tục cuộc chiến chống Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Với sự trưởng thành, vững mạnh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi lịch sử vĩ đại thể hiện tại bàn đàm phán Geneva năm 1954, Hiệp định Hòa bình Paris năm 1972, đánh bại đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Ông Issac nhấn mạnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đạt được những chiến thắng siêu việt trước những đội quân hùng mạnh nhất thế giới như Pháp, Nhật Bản và Mỹ. Với sức mạnh, kinh nghiệm, bản lĩnh và năng lực chiến lược, Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay đã trở thành một đội quân tinh nhuệ và hiện đại.
Bên cạnh đó, nhà báo, nhà văn Issac cũng đánh giá cao chính sách quốc phòng “4 Không” của Việt Nam (Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước khác; Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ quốc gia để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Theo ông, chính sách này được thể hiện ở việc sẵn sàng hợp tác quốc phòng - một trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược với lực lượng vũ trang của nhiều nước, trong đó có cả những nước có hệ tư tưởng khác nhau.
Nhà báo, nhà văn Luis Manuel Arce Isaac còn đề cao việc Việt Nam - một quốc gia mới kết thúc chiến tranh - đã cử sĩ quan tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Theo ông, Việt Nam luôn thể hiện vai trò quan trọng, tích cực chủ động trong các cuộc tranh luận, nghị quyết và hành động của cộng đồng quốc tế hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, không ô nhiễm hay bạo lực. Bằng chứng là Việt Nam đã tích cực tham gia, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế, trong đó có Công ước về quyền của người khuyết tật, hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2023 - 2025), qua đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là trong việc duy trì và củng cố nền hòa bình, an ninh, tạo ra môi trường phát triển thuận lợi, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Đề cập đến quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Cuba, ông Isaac khẳng định mối quan hệ này đã không ngừng phát triển, củng cố và đa dạng hóa, góp phần vào sự phát triển tích cực của cả 2 quốc gia. Ông chia sẻ trải nghiệm của mình về sự hợp tác quý báu giữa hai nước trong giai đoạn chiến tranh, khi Tổng tư lệnh Fidel Castro đã tuyên bố với thế giới rằng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Nhà báo, nhà văn Issac còn vinh dự được học báo chí chiến tranh tại Việt Nam cùng 3 nhà báo Cuba khác. Ông cho biết, chủ trì và cố vấn khi đó là nhà báo Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, người đã dành nhiều thời gian quý báu để giải thích cho các nhà báo Cuba về lịch sử quê hương, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp, quá trình đấu tranh giành độc lập và các cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam. Những trải nghiệm và tình cảm đó khiến Việt Nam luôn ở trong trái tim ông.
Nhà báo Isaac đã được Hội đồng Bộ trưởng trao tặng Huân chương Hữu nghị và Huy hiệu Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam trong gần nửa thế kỷ, là nhà báo của Ủy ban Khoa học về Tội ác Chiến tranh do Tiến sĩ José Antonio Presno Albarrán làm Chủ tịch, người đã trình bày trước Tòa án Russell, cùng với những người khác, đơn kiện về tác động gây ung thư của chất làm rụng lá hay còn được gọi là Chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống Việt Nam và việc sử dụng các hóa chất khác, bom napalm, phốt pho trắng gây hại cho dân thường. Ông đã xuất bản hai cuốn sách về chiến tranh, “Biên niên sử Việt Nam”, trong đó tường thuật lại các vụ đánh bom B-52 ở Hà Nội và Hải Phòng năm 1972 và “Ba trận đánh quyết định”.