Sau nhiều tháng đe dọa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 15/2. Bước đi này cho phép ông huy động một phần tiền ngân sách phục vụ dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico vốn đã gây nhiều căng thẳng trên chính trường mà không cần sự cấp phép của Quốc hội.
Quyết định của nhà ông chủ Nhà Trắng đã biến một tranh cãi về chính sách thành cuộc đối đầu xung quanh sự phân chia quyền lực hành pháp - lập pháp được quy định trong Hiến pháp Mỹ
Quyết định được dự báo trước
Sáng 15/2 (nửa đêm 15/2 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động thêm nguồn ngân sách xây bức tường biên giới phía nam đất nước. Động thái này diễn ra chỉ vài tiếng sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ nửa đêm 14/2 thông qua một dự luật cấp ngân sách và an ninh biên giới qui mô lớn nhằm tránh để chính phủ nước này phải đóng cửa thêm một lần nữa.
Theo dự luật vừa được thông qua, Quốc hội Mỹ đồng ý cấp ngân sách cho chính phủ liên bang tới ngày 30/9. Khoản ngân sách hơn 300 tỉ USD cấp cho các bộ và các cơ quan của chính phủ bao gồm cả khoản tiền 1,375 tỷ USD để xây dựng khoảng 90 km hàng rào dọc biên giới ở Rio Grande Valley, bang Texas. Tuy nhiên, Tổng thống Trump rõ ràng không hài lòng với dự luật vì số tiền này thấp hơn nhiều so với mức 5,7 tỷ USD mà ông đã yêu cầu trong những tuần qua để xây dựng bức tường biên giới.
Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Trump có thể chuyển khoảng 3,6 tỷ USD ngân sách dành cho các dự án xây dựng quân sự sang xây bức tường biên giới, đồng thời được phép sử dụng khoảng 2,5 tỷ USD ngân sách từ các chương trình chống ma túy và 600 triệu USD từ một quĩ của Bộ Tài chính. Cộng gộp khoản ngân sách 1,375 tỷ USD cấp phép theo dự luật vừa ký, nhà lãnh đạo Mỹ có thể huy động khoảng 8 tỷ USD để triển khai dự án xây tường biên giới.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump đã khiến chính trường Mỹ dậy sóng trở lại, đồng thời cũng cho thấy cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa với phe Dân chủ chưa bao giờ lắng dịu.
Những thách thức pháp lý
Năm 1976, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Khẩn cấp quốc gia, cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi thấy cần thiết. Đạo luật này không định nghĩa trường hợp cụ thể nào được coi là "khẩn cấp", do đó quyền định đoạt hoàn toàn thuộc về tổng thống Mỹ.
Theo tờ New York Times, sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền của Tổng thống Trump có thể dựa vào hai đạo luật để xây dựng bức tường biên giới mà không cần ngân sách cấp phép từ quốc hội. Một luật cho phép Bộ trưởng Lục quân ngừng các dự án xây công trình quân sự sau khi tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thay vào đó, Bộ trưởng Lục quân sẽ chỉ đạo binh sĩ và các nguồn lực khác chuyển sang xây dựng các công trình dân sự, quốc phòng dân sự - như bức tường biên giới trong trường hợp này. Một luật khác cho phép Bộ trưởng Quốc phòng bắt đầu các dự án xây dựng quân sự trong tình trạng khẩn cấp dù không được luật cho phép nhưng lại cần thiết để hỗ trợ các lực lượng vũ trang.
Xem video hoạt động xây dựng hàng rào biên giới được tiến hành năm 2018 ở El Paso, Texas:
Động thái của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ đảng Dân chủ, cho rằng ông đã lạm dụng quyền lực về chi tiêu của chính phủ. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết phe Dân chủ sẽ xem xét các giải pháp của mình và sẽ chuẩn bị đáp trả một cách hợp lý. Tuyên bố của phe Dân chủ nhấn mạnh:
“Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là hành động bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn quyền hạn của tổng thống và là một bước đi liều lĩnh nhằm né tránh thực tế là Tổng thống Trump đã phá vỡ lời hứa bắt Mexico phải chi trả tiền cho bức tường biên giới của ông”.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không dễ dàng để vô hiệu hóa lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia. Theo Đạo luật Khẩn cấp quốc gia, Hạ viện và Thượng viện chỉ có thể đưa ra một nghị quyết chung nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp nếu họ tin rằng tổng thống đang hành động thiếu trách nhiệm hoặc mối đe dọa đã tan biến. Lúc này, ngay cả khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ ra nghị quyết chung chấm dứt tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Trump vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ. Quyền phủ quyết của ông chủ Nhà Trắng chỉ bị vô hiệu hóa nếu nghị quyết chung được cả hai viện Quốc hội thông qua với đa số tuyệt đối (trên 2/3 số phiếu ủng hộ) - điều rất khó xảy ra khi đảng Dân chủ hiện chỉ kiểm soát Hạ viện, còn Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Ngoài thách thức bị ngăn chặn từ Quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump cũng có thể đối mặt những vụ kiện, mà nếu không thể khiến ông thua kiện thì cũng kéo dài dự án bức tường biên giới thêm nhiều năm nữa.
Hôm 15/2, Public Citizen, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền lợi người tiêu dùng, đã trở thành bên đầu tiên tiến hành vụ kiện Tổng thống Trump xung quanh lệnh tình trạng khẩn cấp. Public Citizen đệ đơn khiếu nại lên tòa án liên bang ở Washington D.C thay mặt cho ba chủ đất ở bang Texas, nơi chính phủ sẽ tìm cách xây dựng bức tường biên giới, với cáo buộc rằng tuyên bố của Tổng thống không phải là một phản ứng khẩn cấp, mà là hành động phản ánh sự bất đồng kéo dài giữa Tổng thống và Quốc hội về số phận của bức tường.
Ngày 18/2, một liên minh gồm 16 tiểu bang của Mỹ cũng đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump liên quan tới việc ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn Tổng thống vi phạm Hiến pháp, chia rẽ quyền lực, đánh cắp tiền của người dân Mỹ và các bang vốn thuộc thẩm quyền phân bổ theo luật định của Quốc hội”.
Theo tờ Vox, phe Dân chủ ở Hạ viện cũng có thể kiện Nhà Trắng với cơ sở rằng Tổng thống Trump đã vượt quyền chi tiêu theo hiến pháp của Quốc hội. Đây cũng là lý lẽ mà phe Cộng hòa từng đưa ra khi kiện Tổng thống lúc đó là Barack Obama năm 2014. Trong trường hợp hiện nay, phe Dân chủ tại Hạ viện có thể thách thức lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia bằng cách lý luận rằng đó thực sự không phải là tình trạng khẩn cấp.
Chưa rõ những nỗ lực phản kháng từ phe Dân chủ sẽ đi đến kết quả ra sao, nhưng những diễn biến căng thẳng, mở nút rồi lại thắt nút hiện nay trên chính trường Mỹ đã thể hiện rõ thế "giằng co" và "không khoan nhượng" giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo không còn xa và cả hai bên cần phải nỗ lực ghi điểm để giành cảm tình của cử tri.