Theo bài viết, Mỹ có thể dựa vào liên minh toàn châu Mỹ để thực thi mục tiêu cuối cùng là phá hủy dự án Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và tăng cường chính sách bao vây phong tỏa các chính phủ tiến bộ tại Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, thông qua chiến lược "Cây gậy và củ cà rốt" và biến Colombia thành "tàu sân bay" của Mỹ ở Mỹ Latinh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) trong buổi họp báo chung với Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) ngày 21/3/2015. |
Về phần mình, nước Nga chú trọng đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác kinh tế và ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương nhằm bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia Nam Mỹ. Bên cạnh đó, Moskva đang đàm phán để thiết lập căn cứ quân sự ở Cuba, Venezuela, Nicaragua, đảo Cyprus và Singapore với mục tiêu mở rộng bán kính hoạt động của quân đội Nga.
Về quan hệ Nga - Cuba, việc Thủ tướng Dmitri Medvedev ký kết hiệp định hữu nghị và hợp tác với người đồng cấp Cuba đã góp phần làm dịu căng thẳng về kinh tế cho quốc đảo vốn bị thiên tai tàn phá (các cơn bão Gustavo, Ike và Paloma từ năm 2008 đã làm kinh tế Cuba thiệt hại trên 10 tỷ USD) và ảnh hưởng nặng nề do giá nikel giảm mạnh trên thị trường thế giới (từ 54 nghìn USD/tấn xuống còn 10 nghìn USD/tấn) và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. La Habana hiện là đối tác thương mại thứ 10 của Nga ở Mỹ Latinh với kim ngạch trung bình 300 triệu USD/năm.
Liên quan tới quan hệ Mỹ-Cuba, học giả Germán Gorraiz Lopéz nhận định rằng, các biện pháp mang tính tượng trưng của Tổng thống Mỹ Barack Obama (như cho phép gửi kiều hối, tiến hành đối thoại về di cư...) vẫn không làm thay đổi về cơ bản chính sách của Mỹ đối với quốc đảo cho dù đại bộ phận người dân Mỹ mong muốn bãi bỏ lệnh cấm vận phi lý này cũng như lập trường thiện chí của Cuba.
Nếu Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), hiện được coi là "diễn đàn đối thoại" hữu hiệu nhất giữa Mỹ và Mỹ Latinh, được cơ cấu lại thì các vấn đề mấu chốt như: bãi bỏ cấm vận chống Cuba, cải thiện quan hệ với các quốc gia như Nicaragua, Ecuador, Bolivia và Venezuela có thể thực hiện được. Ngược lại, thế giới sẽ chứng kiến lễ ký kết một hiệp định hợp tác quân sự giữa Cuba và Nga, theo đó Moskva sẽ trang bị cho căn cứ quân sự tại Cuba nhiều vũ khí hiện đại như tên lửa Iskander hay máy bay chiến lược TU-160 (phương Tây gọi là BlackJak) và như vậy cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962 sẽ tái diễn.
Đề cập đến quan hệ Nga-Venezuela, học giả Germán Gorraiz Lopéz cho biết, đại diện chính phủ hai nước đã nhất trí khẳng định tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược song phương thông qua việc đẩy mạnh trao đổi buôn bán hai chiều (xuất phát từ mức 967 triệu USD của năm 2008), thành lập ngân hàng chung, sử dụng đồng nội tệ của hai bên trong giao dịch và sau đó làm đồng tiền dự trữ trong một nỗ lực loại đồng USD ra khỏi các giao dịch chung.
Do Nga và Brazil đều là thành viên của nhóm BRICS và không có ý định liên kết để chống Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Putin hy vọng củng cố quan hệ thương mại với Brasilia, thể hiện qua mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch buôn bán hai chiều lên 20 tỷ USD/năm và Nga có thể xuất các loại mặt hàng như: máy bay, máy móc, thiết bị y tế, hàng dệt may và nông sản vào Brazil, đồng thời thành lập các liên doanh sản xuất tua-bin, thiết bị dùng trong thăm dò và khai thác dầu khí, vận chuyển năng lượng... Trong khi đó, Gazprom giúp Venezuela xây dựng đường ống dẫn dầu phân phối từ khu Santos Basin hiện có khả năng cung cấp trên 30 triệu m3/ngày, đủ cung cấp cho 1/2 dân số Brazil.
Về chính trị, mục tiêu của ông Putin là vô hiệu hóa ảnh hưởng của EU và Mỹ tại cực Nam châu Mỹ và tránh để một chính phủ bảo thủ lên cầm quyền ở Brazil trong bối cảnh Nga coi quốc gia này là một đồng minh chiến lược và Moskva sẵn sàng giúp Brasilia trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.